Giám đốc 9x của học viện độc nhất Việt Nam

ANTD.VN - Mới gặp lần đầu, nếu không giới thiệu thì có lẽ ít người tin rằng Nguyễn Minh Ngọc - chàng thanh niên 9x lại đang là Giám đốc của Học viện Kiến thức nền - Khởi nghiệp thông minh. Minh Ngọc khẳng định: “Chỉ có những ai đủ độ điên, dám làm, dám tin vào thành công mới đến học viện này để học”.

Biến tinh túy của thế giới thành của Việt Nam

Nguyễn Minh Ngọc trước đây vốn được biết đến với vai trò là một diễn giả, người chuyên diễn thuyết và giảng dạy kỹ năng mềm. Anh tốt nghiệp ngành  kỹ sư Hóa dầu, hiện đang là Giám đốc của Học viện Kiến thức nền - Khởi nghiệp thông minh. Ngọc chia sẻ, sự ra đời của môn  “Kiến thức nền…” là một câu chuyện khá thú vị. Không chỉ nói nhiều, có khả năng hấp thụ hết một lượng sách khổng lồ trong thời gian ngắn, Ngọc còn biết cách ứng dụng nguồn kiến thức đó vào cuộc sống.

Từ đó, anh cũng hay có các bài viết chia sẻ về kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng sống theo cách gần gũi và dễ hiểu nhất. Nếu ai đã từng đọc qua các bài viết của Ngọc đều nhận ra giọng văn của anh rất dân dã, gần gũi và có phần đanh đá khi chia sẻ về các vấn đề xã hội rất chân thực. Tình cờ, những bài viết đó lại được nhiều bạn trẻ thích, và muốn được học. Thế nên, Ngọc đã mở lớp dạy đầu tiên với 9 người trong vòng 24 buổi với tên gọi ban đầu là lớp học “Phát triển kỹ năng theo đường thẳng”. 

Khóa đầu tiên, Ngọc dạy chay, hoàn toàn không có giáo trình mà chỉ là chia sẻ những kiến thức mà mình có được. Khi gần hết khóa, anh đột nhiên nhận thấy các học viên có sự chuyển biến mang tính đột phá nên Ngọc đã mượn lại vở ghi chép của học viên khoá 1 để hệ thống, sắp xếp lại thành một giáo trình cơ bản. Từ sự thành công của khóa 1, Ngọc dạy tiếp khóa 2 và lại nhận được kết quả tốt, từ đây anh mới nhận ra những kiến thức của anh thực sự có tác dụng và ý tưởng nhen nhóm cho môn học cũng hình thành.

 “Đến gần cuối năm 2014, mình vẫn không biết gọi tên môn học là gì cho phải vì phạm vi kiến thức quá rộng. Nhiều học viên đi học về được hỏi đang học môn gì cũng không biết trả lời như thế nào” – Ngọc cho biết.

Từ lượng kiến thức lớn được đúc kết và hiệu chỉnh, Ngọc mang tham vọng biến những cái tinh túy nhất của thế giới để làm nền tảng kiến thức cho thế hệ thanh niên Việt Nam. Ngọc muốn nhiều bạn trẻ có tư tưởng khởi nghiệp để làm chủ cuộc sống của mình như anh. Vì thế, Ngọc quyết định đặt tên cho môn học mà mình sáng tạo ra là khóa học “Kiến thức nền - khởi nghiệp thông minh” cũng là tên của Học viện do anh lập ra. 

Ngọc cho biết, môn học này về cơ bản sẽ giúp các học viên có thể định hình rõ ràng hơn, đồng thời tạo động lực giúp các bạn trẻ có thêm năng lượng muốn làm điều lớn lao, sống có ý nghĩa cho xã hội. Sau 8 khóa đào tạo, Ngọc đã cho ra lò khoảng 90-100 học viên. Các học viên có độ tuổi đa dạng, đến từ nhiều miền của Tổ quốc, thậm chí có người lặn lội từ Đồng Nai ra Hà Nội để học.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Nguyễn Minh Ngọc vốn tốt nghiệp kỹ sư Hóa dầu của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng vào “phút chót”, anh lại không thích làm kỹ sư. Vào năm 2013, khi đi thực tập cuối khóa tại khu công nghiệp của Đạm Phú Mỹ khoảng 90 ngày, Ngọc chỉ mới ở đến ngày thứ 7 thì đã nhận ra nhiều mâu thuẫn trong chính bản thân mình.

Khi đó, anh phân vân đây là một nơi làm việc tốt, lương cao nhưng nó sẽ làm anh không thể theo được ước mơ kinh doanh từ nhỏ: “Mình để ý, các kỹ sư làm việc tại đây sáng có xe đón, chiều xe đưa về. Thử tưởng tượng 8 tiếng một ngày như thế, sau vài năm thì còn đâu nhiệt huyết tuổi trẻ, đầu óc mình sẽ thui chột đi và làm sao mình có thể từ bỏ công việc lương cao như vậy để khởi nghiệp”.

Thế là trong suốt thời gian thực tập còn lại, Ngọc chỉ chuyên tâm vào việc đọc sách điện tử ebook. Anh đọc miệt mài, hăng say đến quên cả thời gian. Trong ròng rã 2 tháng bay bổng trong thế giới của tủ sách kinh tế, Ngọc chợt nhận ra trong suy nghĩ của mình bắt đầu có sự thay đổi. Đến tháng 6-2013, bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp cũng là lúc Ngọc cất đi chiếc bằng kỹ sư của mình để bắt tay vào làm điều mà mình luôn mong muốn, đó là kinh doanh.

“Mình vẫn nhớ như in cái ngày 20-6-2013. Đó là ngày chính thức mình ra trường đời. Cái cảm giác mông lung, vô định, đi nhưng không biết đi đâu để kiếm tiền, cảm giác đấy hẳn nhiều bạn trẻ bây giờ đang trải qua. Có những đêm  suy nghĩ về công việc, suy nghĩ về tương lai, mình cảm thấy hoang mang tự hỏi không biết liệu mình đang đi có đúng hướng hay không khi quyết rằng không bao giờ xin việc” - Ngọc tâm sự. 

Đầu năm 2014, Ngọc chia sẻ ý định của mình về việc thành lập một công ty công nghệ chuyên về tư vấn sản phẩm công nghệ ứng dụng cảm ứng trong công việc. Đúng lúc này, Ngọc được người mẹ của bạn thân cho vay 20 triệu đồng và một người cô họ cho mượn một văn phòng 20m2 để khởi nghiệp. Công việc của anh là hướng dẫn mọi người sử dụng iPhone, iPad để tối ưu hóa công việc.

Từ yêu cầu đó, anh đã tự mình viết cuốn sách đầu tiên là “Sổ tay hướng dẫn sử dụng iPhone, iPad”. Cuốn sách được viết trong ròng rã một năm. Trong vòng 3 tháng đầu, sách không bán được khiến Ngọc lại phải xoay qua các phương án khác, từ việc ký gửi, quảng bá cho doanh nghiệp, sử dụng quảng cáo facebook cho đến đào tạo người bán hàng…

Đến khoảng cuối năm 2014, khi sách bắt đầu bán được, các chương trình đào tạo kỹ năng mềm của anh cũng phát triển mạnh hơn. Lúc này, Ngọc chính thức giao hòa giữa công nghệ với kinh doanh, và Học viện kiến thức nền - khởi nghiệp thông minh do Ngọc làm giám đốc (Hiệu trưởng) đầu tiên ra đời.

“Tôi đã từng rất khó khăn khi bị gia đình cắt trợ cấp. Tôi cũng không có vốn liếng nên phải  làm rất nhiều việc để kiếm tiền. Tôi đọc sách, tôi đi khắp nơi nói về ý tưởng của mình. Tôi nói không phải vì thuyết phục người ta giúp mình mà nói về ý tưởng công ty trong tương lai một cách rất tự nhiên, khát khao, nhiệt huyết và cháy bỏng. Cứ thế, ý tưởng của tôi hoàn thiện. Khi tôi nói, lúc đầu mọi người không quan tâm đến nó, nhưng nói hoài nói mãi thì mọi người cũng bắt đầu tin. Điều kỳ diệu đã đến khi mọi người quay sang động viên và giúp đỡ tôi” – Ngọc chia sẻ.

Chỉ trong vòng 3 năm, từ hai bàn tay trắng, Ngọc đã có được một Học viện của riêng mình. Khoảng thời gian tưởng là nhanh nhưng đã cho anh nếm trải đủ mùi khó khăn của cuộc sống.

Tham vọng về “Thung lũng Silicon khởi nghiệp” 

Hiện tại, Học viện Kiến thức nền - khởi nghiệp thông minh của Nguyễn Minh Ngọc có trụ sở tại Z-Penthouse tầng 31 địa chỉ 125 Trần Phú – Hà Đông, Hà Nội. Đây là một mô hình đào tạo khép kín từ truyền dạy kiến thức và hỗ trợ khởi nghiệp đến khi thành công. Các học viên ở đây được đào tạo trong môi trường năng lượng cao.

Sau khi kết thúc khóa học, những học viên có tư tưởng khởi nghiệp sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ như được sử dụng ngay địa điểm để làm việc và đặt văn phòng trong giai đoạn hoàn thiện sản phẩm, được hỗ trợ bảo trợ thương hiệu trong giai đoạn đầu bán hàng ra thị trường. Ngọc vẫn nói vui là “bao tiêu từ A-Z cho đến lúc các bạn trẻ có thể tự tách ra để doanh nghiệp tự hoạt động”. 

Trong một không gian 320m2, anh cho bố trí một tổ hợp liên hoàn từ văn phòng, phòng công nghệ, phòng đào tạo, ký túc xá, căng tin, khu giải trí và cả cafe trên cao để phục vụ cho học viên. Không gian trên có thể đảm bảo cho việc sinh hoạt của 50-100 học viên. Ý định sắp tới của Ngọc là xây dựng các chuỗi học viện, đích nhắm đến là các căn Penthouse của các tòa nhà với tham vọng là biến khu vực Hà Đông thành một “Thung lũng Silicon của Việt Nam”. “Ý mình khi nói đến Thung lũng Silicon chỉ là một phép so sánh, mình muốn nơi đây sẽ trở thành trung tâm dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp đa ngành chứ không chỉ riêng về công nghệ”.

Gửi lời nhắn đến các bạn trẻ có tư tưởng khởi nghiệp mà còn lo lắng về tiền bạc, Ngọc cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng khởi nghiệp vấn đề không phải là tiền, hoặc có người lại nói phải có tiền mới nghĩ đến chuyện khởi nghiệp. Nhưng 2 điều đó đều đúng một nửa. Để khởi nghiệp thì các bạn cần phải tổng hòa được việc thấu hiểu tiềm năng bản thân, vốn hoặc phương pháp huy động vốn, ý tưởng, kiến thức chuyên môn cứng, quy trình triển khai ý tưởng vào kinh doanh, các kỹ năng mềm thiết yếu và rèn luyện các tố chất của doanh nhân.Bạn phải có đủ 6 thứ đó hoặc ít nhất đội nhóm của bạn ghép lại đủ như vậy thì đó mới là khởi nghiệp an toàn và thông minh. Vấn đề tiền không phải là bạn có bao nhiêu, quan trọng là bạn dùng tiền đó như thế nào để tạo được hiệu quả”.