Giải tỏa sự “lệch pha”

ANTĐ - Trong bối cảnh doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục, ngân hàng vẫn hết sức thận trọng cho vay vốn vì lo rủi ro, nợ xấu. Theo chu kỳ, cuối năm là thời điểm thị trường sôi động vào mùa làm ăn, các doanh nghiệp không bỏ lỡ thời cơ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề khơi thông dòng vốn cuối năm, không chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp mà còn là giải pháp giúp ngân hàng “phá băng” vốn ứ đọng, hoàn thành mục tiêu kinh doanh.

Để tạo sự lưu thông vốn, rất cần sự chung tay, góp sức của cả ba bên: cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp. Nền kinh tế nào cũng phải hướng dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện phát triển. Chính phủ đã đề xuất một số chương trình kích thích kinh tế như bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%, đẩy mạnh huy động 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ tập trung vào các dự án trọng điểm. Đây là những biện pháp tăng sức cầu của nền kinh tế, nhưng cần phải kiểm soát chặt chẽ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước cần thúc đẩy chương trình giám sát rất gắt gao luồng chu chuyển vốn. Vốn giải ngân cho doanh nghiệp nào, mục tiêu gì? Đối với các doanh nghiệp Nhà nước bắt buộc phải thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. Để có được vốn vay của ngân hàng, các doanh nghiệp cần phải minh bạch, rõ ràng mọi thứ, nhất là phải chứng minh được tính hiệu quả của dự án. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tư vấn, để tiếp cận vốn ngân hàng cần tách doanh nghiệp thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp có “sức khỏe” tài chính lành mạnh, ngân hàng cần mời chào vốn vay ưu đãi. Một số ngân hàng thậm chí chấp nhận cho vay hòa vốn để bơm vốn dư thừa cho nền kinh tế. Song, bản thân doanh nghiệp cũng chỉ hấp thụ được một lượng vốn vay nhất định vì lo sản xuất ra không bán được. Nhóm 2 là những doanh nghiệp “sức khỏe” tài chính chưa ổn định do tỷ lệ nợ trên vốn ở mức cao hoặc chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán. Như vậy, với nhóm này, dù có thừa vốn thì ngân hàng cũng phải bảo toàn vốn, giảm rủi ro.

Mặc dù số doanh nghiệp không có lãi đã giảm, nhưng không có nghĩa là hết khó khăn, nhất là thiếu vốn, thiếu đầu ra. Tức là vừa bí cả đầu vào, bí cả đầu ra. Doanh nghiệp cần vốn thì không đáp ứng đủ điều kiện vay, còn doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại không thiết tha vì bế tắc trong định hướng kinh doanh. Nếu không giải tỏa được sự “lệch pha” này thì dòng vốn trong “cơ thể” kinh tế vẫn tắc nghẽn.