Giải pháp cho những vấn đề "nóng" của ngành Giáo dục

ANTD.VN - Là 1 trong 4 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XIV - kỳ họp thứ hai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình trước những tồn tại của ngành. Sự cầu thị và kiên quyết của Bộ trưởng trong nỗ lực giải quyết những vấn đề “nóng” đã được Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu ghi nhận. 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trước tình trạng 191.000 sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rất trăn trở và nhận trách nhiệm về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, hầu hết sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp rơi vào các nhóm trường Top trên (trường có bề dày, có kinh nghiệm đào tạo), còn phần lớn sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm hoặc thất nghiệp xuất phát từ những trường có chất lượng thấp hoặc mới thành lập.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chương trình đào tạo chưa bám sát được nhu cầu của thị trường lao động, còn quá chú trọng đến kiến thức, chưa quan tâm đến đào tạo kỹ năng, thực tế trải nghiệm. Vì vậy, chất lượng sinh viên nếu xét về kiến thức không phải quá thấp nhưng kỹ năng thực tế yếu, trong đó có sự yếu kém cả về ngoại ngữ và công nghệ thông tin. 

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Đó là việc điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng các chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành để làm sao những trường mới mở hay  yếu kém được hỗ trợ hoặc trở thành phân hiệu hay một trường thành viên của trường đại học lớn.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH về kế hoạch phối hợp nhằm nâng cao chất lượng đại học bằng kết nối với doanh nghiệp. Bởi, nếu các trường đại học có thông tin về thị trường lao động thì họ sẽ có định hướng ngành, đặc biệt là chỉ tiêu đào tạo phù hợp với thị trường lao động.

Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị đào tạo mạnh dạn và kịp thời chỉnh sửa các chương trình đào tạo theo hướng gắn với tăng cường kỹ năng cho sinh viên, nhất là những kỹ năng chuyên biệt khi ra thị trường lao động, để người sử dụng lao động không phải đào tạo lại. “Với trách nhiệm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi rất quan tâm đến việc này và đặc biệt siết chặt hơn nữa không chỉ đầu vào mà cả đầu ra vì lâu nay chất lượng đầu ra chúng ta chưa chú trọng lắm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Chấn chỉnh dạy thêm, bạo lực học đường

Giải pháp cho những vấn đề "nóng" của ngành Giáo dục ảnh 2

Ngoài chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề dạy thêm, học thêm cũng gây bức xúc trong dư luận. Để chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 17 hướng dẫn về dạy thêm, học thêm và các Chỉ thị khác có liên quan để các địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục uốn nắn và quản lý dạy thêm, học thêm đúng hướng.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trách nhiệm của Bộ trưởng và Bộ GD&ĐT là phải chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát. “Đây không phải là giải pháp căn cơ. Cái gốc của vấn đề là phải chỉnh lại chương trình làm sao cho gọn nhẹ”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. Với tinh thần đó, Bộ đang chỉ đạo rà soát để xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, lược bỏ những nội dung không cần thiết, không phù hợp và trùng lặp để làm sao chương trình nhẹ hơn, đồng thời nghiêm túc chấn chỉnh những hoạt động dạy thêm, học thêm biến tướng.

Trong khi đó, bạo lực xảy ra trong nhà trường là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong dư luận thời gian gần đây. Một bộ phận học sinh, sinh viên có những hành vi biểu hiện sự lệch lạc về đạo đức, lối sống làm vẩn đục môi trường giáo dục. Do vậy, Bộ trưởng đã quyết định đưa môn Giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp và coi đây là giải pháp cấp bách.

Theo Bộ trưởng, cùng mới môn Lịch sử, môn Giáo dục công dân sẽ góp phần vào việc giảm bạo lực đang có xu hướng gia tăng. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi đã trực tiếp làm việc với các cô giáo, thầy giáo dạy môn Giáo dục công dân từ bậc Tiểu học, THCS và THPT rất kỹ để tới đây chúng tôi xây dựng một chương trình thực tế, thiết thực với cuộc sống”.

Thi trắc nghiệm sẽ chống học lệch, học tủ

Bên cạnh những nội dung trên, một vấn đề “nóng” nữa trong ngành Giáo dục được nhiều cử tri quan tâm là thi trắc nghiệm THPT. Thẳng thắn nhìn nhận về những ưu và nhược điểm trong việc thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mục đích của kỳ thi này là kiểm tra kiến thức cơ bản, đảm bảo tính toàn diện, chống học tủ, học lệch và đảm bảo minh bạch, khách quan.

Đây là kỳ thi có quy mô lớn với hàng triệu học sinh tham gia nên cần phải chọn phương thức thi thuận lợi nhất và tốt nhất. Kết quả thi tốt nghiệp THPT không chỉ là xét tốt nghiệp mà còn là căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển đầu vào nên Bộ đã cân nhắc rất kỹ, tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia và đều nhất trí phương án thi trắc nghiệm kiểm tra được kiến thức toàn diện của học sinh. Trong thực tế, hình thức thi trắc nghiệm đã được thí điểm ở trường ĐH Quốc gia Hà Nội mấy năm cho kết quả rất tốt.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước năm 2015 về cơ bản là kỳ thi 3 chung, có nhiều ưu điểm nhưng không ít hạn chế, bởi vậy phải đổi mới thi cử theo hướng nhẹ nhàng, giảm áp lực, đỡ tốn kém và khách quan. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng một đề án theo tinh thần của Nghị quyết 29 và Nghị quyết của Quốc hội là đổi mới thi cử theo hướng một kỳ thi hai mục đích.

“Về chuyên môn, chúng ta thực hiện thi kiến thức lớp 12, sang năm dự báo tiếp để có thời gian cho học sinh chuẩn bị là lớp 11 và sang năm tiếp theo khi chúng ta chưa thay đổi chương trình sách giáo khoa thì vẫn thi theo kiến thức hiện nay. Phương án này linh hoạt ở chỗ, mỗi một năm chúng ta có cải tiến, nhưng cải tiến ở đây không phải đường đột, cải tiến có tính toán về mặt chuyên môn. Số môn thi trắc nghiệm dù nhiều nhưng so với tổng số môn học thì chưa phải quá cao, tuy có gây áp lực nhưng có thể chấp nhận được”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, không có một phương án thi nào có ưu điểm tuyệt đối, song đây là phương án phù hợp nhất với mục tiêu thi cử, phù hợp với tiến độ phát triển khoa học, công nghệ và cũng là phương án được nhiều nước phát triển áp dụng. “Chúng ta đang tiến tới hội nhập quốc tế nên cả học sinh, giáo viên cũng phải thích ứng dần với sự thay đổi nhưng theo hướng tích cực và có lộ trình hợp lý”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.