Gian nan chống “cát tặc” (kỳ cuối)

Giải pháp bị lãng quên

ANTĐ - Riêng tuyến sông Hồng, đoạn từ cầu Thăng Long tới cầu Thanh Trì, mỗi năm ngân sách phải chi hàng tỷ đồng để khơi thông luồng lạch, đảm bảo thổi cát nơi tắc… đổ dồn sang những vị trí không tắc, ngay trên tuyến sông. Sự lãng phí này kéo dài hàng chục năm qua, trong khi nhu cầu về cát rất lớn.

Hiện trường một vụ “độn thổ” hút trộm cát bị CAH Đông Anh phát giác

Lãng phí một chủ trương

Ngày 1-2-2013, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu của Quy hoạch này là sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả; đảm bảo sử dụng tối đa tài nguyên và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. “Quý” nhất trong bản Quy hoạch là danh sách 44 điểm mỏ và 91 bãi chứa trung chuyển, được tính toán, công bố chi tiết tới từng vị trí, diện tích và quy mô, trữ lượng tài nguyên. Bản Quy hoạch do Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh ký yêu cầu: “Tổ chức đấu thầu khai thác khoáng sản, cát, sỏi xây dựng”.

Các cơ quan chức năng của thành phố, rồi các địa bàn dọc tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ… đã triển khai cụ thể hóa chủ trương của thành phố thế nào? Câu trả lời là rất chậm. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh bến bãi ở tuyến sông Hồng “mách”: “Các anh cứ tìm hiểu thử, mỗi năm Nhà nước phải chi hàng tỷ đồng để khơi dòng trên các tuyến sông qua Hà Nội. Lãng phí quá, trong khi nếu được phép, doanh nghiệp sẵn sàng khai thác cát ở vị trí tắc, miễn phí, thậm chí chấp nhận nộp thuế khai thác tài nguyên”.

Tìm đến Công ty CP Quản lý đường sông số 6 (Công ty 6), chúng tôi ghi nhận sự “mách nước” của doanh nghiệp nọ hoàn toàn chính xác. Công ty 6 chịu trách nhiệm quản lý khoảng 120km tuyến sông Hồng và 20km tuyến sông Đuống; một trong những chức năng của đơn vị này là đảm bảo thông suốt luồng lạch phục vụ phương tiện tàu bè đi lại. Trao đổi với một cán bộ có trách nhiệm của Công ty 6, được biết, riêng tuyến sông Hồng, đoạn từ cầu Thăng Long xuôi cầu Thanh Trì, có ít nhất 3 vị trí mà năm nào cũng phải thông luồng, mở tuyến. Gần đây, tháng 1-2014, Công ty 6 phải thông luồng đoạn sông Hồng từ dốc Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm) đi vào. Thời gian thông luồng hơn 1 tháng và kinh phí Nhà nước phải chi hơn 1 tỷ đồng. Biện pháp thông luồng khiến “dân” khai thác cát… tiếc hùi hụi. Cát được hút, thổi từ chỗ ứ sang vị trí không ứ, để dòng chảy thông thoáng. “Biện pháp này có hiệu quả trong bao lâu?”, chúng tôi hỏi. “Thông thường cứ 1 năm sẽ phải tiến hành lại, bởi điểm ứ đó hình thành do tính chất dòng chảy và địa thế của khúc sông”, vị cán bộ này cho biết. Điều này đồng nghĩa, chậm nhất là đầu năm 2015, thêm 1 tỷ  đồng nữa bị đổ xuống sông Hồng!

Cũng chính vì chưa có động thái tổ chức đấu thầu các mỏ cát của cơ quan chức năng, mà thời gian qua, nhiều mỏ cát lớn đã bị lén lút khai thác, khiến ngân sách thất thu, dòng chảy các con sông biến đổi. Theo đánh giá của vị đại diện Công ty 6, “sông Đuống hiện đã hết cát, và nhiều đoạn lòng sông do bị khai thác tràn lan trở nên sâu hoắm, hết sức nguy hiểm”. Cũng trên tuyến sông Đuống, đoạn gần cầu Phù Đổng, trước có mỏ cát lộ thiên rộng cả trăm hecta, báo động cấp 3 cũng không ngập lên đỉnh mỏ. Giờ, mỏ cát ấy tuyệt nhiên không còn dấu tích.

Tan hoang cung đường đê dẫn vào bãi trung chuyển vật liệu
 ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín

Thất thoát đủ đường

Sự thiếu và yếu của công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông ở Hà Nội lâu nay dẫn đến vô số sự thất thoát, và nguy hại hơn, nó đã và đang khiến những dòng chảy sông Hồng, sông Đuống biến đổi khó lường. Khó có thể kiểm kê trong nhiều năm qua, bao nhiêu triệu m3 cát và nhiều tài nguyên khác đã bị khai thác trái phép ở các tuyến sông qua Hà Nội nói riêng. Những hình ảnh trực quan nhất chính là sự biến mất của những dải cát dài. Hàng tỷ đồng tiền thuế, lẽ ra có thể thu được, nhưng đã bị tẩu thoát bởi “cát tặc”. Vị cán bộ Công ty 6 chỉ ra sự khác nhau giữa những mỏ cát, khoáng sản được phép khai thác và khai thác trái phép. Đối với những điểm được cấp phép, yêu cầu đặt ra sẽ là những giới hạn về khu vực, chiều sâu, để tránh tác động nhiều đến dòng chảy, môi trường và bờ vở xung quanh. Trong khi ngược lại, “cát tặc”  không đếm xỉa đến điều này chỉ biết hút và hút.

Trong câu chuyện về cát tặc, có một sự thất thoát lớn khác, đó là thất thoát về trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nơi có những bến bãi trung chuyển, tập kết vật liệu, và những địa điểm có thể khai thác cát. Cho thuê đất để các tổ chức, cá nhân mở bến bãi trái quy định; tái diễn thường xuyên tình trạng thu mua cát, tài nguyên không rõ nguồn gốc; công khai diễn ra hoạt động khai thác cát… Từng ấy vi phạm, hiện tượng, nhưng sau mỗi vụ việc bị phát hiện, không thấy cấp xã, phường, quận, huyện nào đứng ra nhận trách nhiệm. “Tập đoàn” khai thác, thu mua cát trái phép ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín; rồi gần đây nhất là trường hợp 1 doanh nghiệp ở Đông Anh, thuê đất nông nghiệp của xã lập bến bãi trái phép; từ đó thiết kế hệ thống hút trộm cát hết sức quy mô. Đặt vấn đề trách nhiệm với chính quyền cơ sở, chúng tôi nhận được câu trả lời hết sức chung chung: “từng kiểm tra, lập biên bản, nhưng vi phạm vẫn tái diễn”. Câu hỏi đặt ra là: liệu có gì khuất tất đằng sau những sự tồn tại, những hoạt động vi phạm pháp luật ấy?

Ngăn chặn, từng bước kéo giảm tình trạng khai thác cát, chỉ có thể bằng việc tính toán nghiên cứu, lên bản đồ quy hoạch mỏ cát, bến trung chuyển, từ đó công khai và thực hiện nghiêm túc quy hoạch ấy. Đấu thầu các mỏ cát, tạo sự cạnh tranh công khai, lành mạnh, cũng sẽ khiến “đất” của “cát tặc” bị thu hẹp. Vấn đề này, đã đến lúc các cơ quan chức năng không nên chỉ ngồi bàn tính…