Giải cứu nông sản ùn tắc cửa khẩu: Nhiều doanh nghiệp vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khu vực cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh vẫn tồn đọng khoảng 3.000 container nông sản chờ xuất khẩu.

Tồn khoảng 3.000 container nông sản

Thông tin về tình hình thông qua hàng nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc vào sáng 31/12/2021, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh cho biết, từ 21/12/2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng, dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại Cầu Bắc Luân II và lối mở Km 3+4 phường Hải Yên.

Cụ thể, hàng nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp. Số này đang tìm đường tiêu trụ trở lại nội địa.

Riêng tinh bột sắn tồn 38 xe có thể đưa vào kho bảo quản, do đây là hàng khô. Thủy hải sản tồn 139 xe. Cửa khẩu Móng Cái đã thông báo đến doanh nghiệp, và có phương án giảm chi phí bảo quản cho chủ hàng.

Phó Giám đốc Sở N&-PTNT Lạng Sơn, bà Đinh Thị Thu cho biết, lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô chứ rất ít hoa quả tươi.

Hiện vẫn còn đến 3.000 container nông sản ùn tắc ở biên giới phía Bắc chờ xuất đi Trung Quốc

Hiện vẫn còn đến 3.000 container nông sản ùn tắc ở biên giới phía Bắc chờ xuất đi Trung Quốc

Theo bà Thu, tổng lượng xe ùn tắc tại Lạng Sơn hiện nay vào khoảng 2.900 xe, đang giảm dần nhưng nguyên nhân chính là do nhiều xe quay đầu về tiêu thụ nội địa, đặc biệt là sau khi Bằng Tường thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 0h 29/12 - 24h 26/1/2022.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, trong thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là 2 dịp nghĩ Tết dương lịch và Tết Nhâm Dần đang đến gần.

“Phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết thêm.

Trước tình hình đó, bà Thu kiến nghị các đơn vị cấp trên cần tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao để thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước Tết nguyên đán.

Ngoài ra, bà Thu cũng đề xuất đàm phán với Trung Quốc để tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn còn hoạt động, từ 4h, 8h lên 12h mỗi ngày để nâng cao năng lực thông quan. Cùng với việc đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ nội địa trong tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn hiện nay.

Đồng quan điểm với đại diện của tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu cần lưu ý thông tin cửa khẩu và quan tâm hơn đến vấn đề tiêu thụ nội địa vì sắp bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài.

Với các đơn vị chế biến trong nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị kết nối thông tin với các vùng nguyên liệu để hỗ trợ tiêu thụ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Doanh nghiệp trong nước "giải cứu"

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước bày tỏ sẵn sàng “giải cứu” nông sản ùn tắc biên giới hiện nay.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart.

Ngoài ra, BRG Retail sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến cuối năm.

“Thị trường nội địa đang vào giai đoạn tiêu thụ cuối năm, nhu cầu cũng tăng nên chúng tôi muốn hợp tác với bà con nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ”, ông Dũng cho hay.

Còn bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng tập đoàn Nafoods Group cho biết, công ty có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến ở khắp cả nước, với công suất thiết kế 100.000 tấn, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm.

Các sản phẩm chính của Nafoods là chanh leo, dứa, xoài, mãng cầu, hạt điều… Thời gian từ giờ đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Nafoods có thể hỗ trợ cho chanh leo và Thanh long.

Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An. Sản lượng khoảng 1.000 tấn.

Thông tin tại Diễn đàn, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cho biết, hiện nay Công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới.

Cụ thể, mỗi ngày Công ty tiêu thụ khoảng 100 - 150 tấn sản phẩm nông sản các loại, đặc biệt là sản phẩm xoài. Thời gian qua, Công ty cũng đã kếp hợp với Đồng Tháp, Tiền Giang để có nguồn cung phục vụ chế biến nông sản.

“Hiện nay chúng tôi vẫn chế biến xoài với số lượng lớn. Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, Công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ”, ông Khuê cho hay.