Giấc mơ Mỹ

ANTĐ - Cơ hội được đến hầu hết các thành phố lớn của nước Mỹ, được trải nghiệm và cảm nhận nhịp sống hối hả của người dân ở đây khiến tôi nhận thấy nước Mỹ không chỉ là sự hào nhoáng, xa hoa. Có một nước Mỹ khác, mà ở đó, những người nhập cư, những người thuộc tầng lớp thấp phải vật lộn trong vòng xoáy khắc nghiệt với khát vọng đổi đời. Đó chính là giấc mơ Mỹ -  “The American dream”.

Tác giả bài viết tại Las Vegas - bang Nevada, thủ đô giải trí của Mỹ

Không gì tự nhiên mà có

Nếu ai đã từng xem “The Pursuit of Happyness” - Sự mưu cầu hạnh phúc do Will Smith thủ vai chính, hẳn sẽ hiểu phần nào hành trình tìm kiếm hạnh phúc của những con người nằm bên lề của xã hội Mỹ hiện đại. Dựa trên cuốn hồi ký bán chạy nhất của doanh nhân thành đạt Chris Gardner, bộ phim đã phản ánh chân thực hành trình đầy gian khổ và nỗ lực không ngừng của một tầng lớp người dân Mỹ. Khi xem những cảnh quay Chris Gardner phải lang thang khắp nơi để tìm chốn nương thân, rồi phải sống ở trong căn phòng dành riêng cho những người vô gia cư, tôi đã từng nghĩ những hình ảnh đó chỉ có trên phim ảnh. Chỉ tới khi đặt chân tới nước Mỹ, tôi mới nhận ra nó phản ánh chân thực cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ, bởi ngay cả ở những thành phố hiện đại với những toà nhà sáng đèn rực rỡ, những con người như thế vẫn hàng ngày hiện hữu. 

Một lần, đang cùng người bạn Mỹ tận hưởng khoảnh khắc yên bình trên những con phố tràn ngập nắng thu vàng của San Francisco, hình ảnh đoàn người vô gia cư xếp hàng dài để nhận phần ăn từ một tổ chức từ thiện ngay trên góc phố Mission khiến tôi không khỏi bất ngờ. Nó hoàn toàn đối lập với những toà nhà chọc trời, nơi những đế chế tài chính lớn nhất thế giới đặt trụ sở. Như đọc được nét ưu tư trong mắt tôi, anh Jonh Hart, một người bạn đang làm việc tại bệnh viện trong thành phố giải thích, những người vô gia cư phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của những tổ chức từ thiện hay nhà thờ. Phần lớn họ là những người nghèo, trong số đó có cả những người nghiện ngập, thất nghiệp, có người còn thích cuộc sống vật vờ như vậy. Mặc dù, chính quyền ở hầu hết các bang của nước Mỹ đều có chính sách và những khu nhà dành riêng cho những người này, nhưng với họ tương lai rất mịt mù.

Vào những ngày cuối tuần, tôi thường cùng những người bạn lái xe ra những vùng ngoại ô hay đến các trang trại mênh mông đẹp như trong chuyện cổ tích của nước Mỹ để khám khá và tìm hiểu sự khác biệt. Có một điều thú vị là ở bất kỳ thành phố nào đi qua, tôi cũng bắt gặp hình ảnh các gia đình dọn dẹp những món đồ không dùng đến rồi bày gọn gàng ngay trước hiên nhà. Nếu muốn lấy bất cứ thứ gì, bạn chỉ cần để lại 1USD cho gia chủ. Mặc dù số tiền đó chẳng đáng là bao nhưng nó lại mang một thông điệp đó là: “Không có thứ gì tự nhiên mà có”. 

Cầu Brooklyn - một trong những cây cầu treo lâu đời nhất Hoa Kỳ

Cơ hội dành cho tất cả

Theo thống kê, ngày nào cũng có người Mexico bỏ mạng trên con đường tìm cách xâm nhập trái phép vào Mỹ. Phần lớn những người này không được phép làm giấy tờ tùy thân, không được cấp bằng lái xe, và dĩ nhiên một tấm thẻ xanh công nhận quyền cư trú vĩnh viễn là ước mơ xa vời với họ. Điều đáng nói, nhiều người trong số họ không thể nói tiếng Anh. Điều này đã khiến cơ hội hoà nhập và đổi đời của họ trở nên xa vời. Những người may mắn hơn thì được thuê làm những công việc mà người dân bản địa từ chối như công nhân xây dựng cầu đường, hoặc đôi khi là nhân viên rửa xe với mức thù lao từ 7-10USD/giờ. 

Những công việc tưởng chừng như đơn giản như sơn sửa móng tay (nail) hay cắt tóc ở Việt Nam không cần chứng chỉ, bằng cấp cũng hành nghề được, thì ở Mỹ lại khác. Để mở được một cửa hàng nail, bạn phải học ít nhất 1 năm để lấy chứng chỉ hành nghề, nếu thi trượt, 6 tháng sau mới được thi lại. Nghề cắt tóc cũng vậy, thường phải học ít nhất 3 tháng. Bên cạnh tay nghề, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách hàng, bồn rửa chân, tay bắt buộc phải được cọ rửa vệ sinh ngay sau mỗi lần phục vụ cho khách để tránh lây nhiễm các bệnh ngoài da. Ở các bang của nước Mỹ, người Việt gần như độc chiếm nghề làm nail bởi tính cẩn thận, chịu khó và khéo tay.

Trong những chuyến đi đến nhiều bang của nước Mỹ, tôi đã có dịp gặp gỡ khá nhiều người Việt thành đạt. Vào một buổi sáng mùa đông, trước Lễ Giáng sinh 2 ngày, trong khi đang một mình ở sân bay John F. Kenedy, New York, tôi đã bắt chuyện với anh Peter Nguyễn, một Việt kiều Mỹ. Anh Peter Nguyễn cho hay, ở Mỹ, nếu có việc làm ổn định là có tất cả, từ xe hơi, tài sản, nhà cửa... Nhưng khi đã mất việc làm đồng nghĩa mọi thứ cũng ra đi, thậm chí ngôi nhà đang ở cũng sẽ bị ngân hàng thu hồi nếu không còn khả năng chi trả. “Đó chính là vòng xoáy khắc nghiệt của “giấc mơ Mỹ”, nhưng đó cũng là cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Nếu ai đó muốn tới Mỹ để hưởng thụ mà không lao động, không biết nắm lấy cơ hội cho mình thì chỉ có nước đi ăn mày…” - anh Peter Nguyễn chia sẻ. Nhìn dáng vẻ phong trần, khuôn mặt cá tính, tác phong nhanh nhẹn của người đàn ông đã sống gần 30 năm trên đất Mỹ, một lần nữa tôi hiểu thế nào là “giấc mơ Mỹ” - một cụm từ đã trở nên nổi tiếng ở đất nước đa sắc tộc này.