Giá xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, áp lực nặng nề đối với sản xuất, tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau phiên tăng giá chiều nay (26-10), giá xăng RON95 trong nước đã lên mức hơn 24.300 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng cao gây áp lực lớn đối với sản xuất và tiêu dùng.
Giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng mạnh

Giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng mạnh

Có thể tăng đến hơn 2.500 đồng/lít

Từ 16 chiều nay, xăng E5RON92 tăng 1.427 đồng/lít, giá bán mới không cao hơn 23.110 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 24.338 đồng/lít, tăng 1.459 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.

Các loại dầu cũng được điều chỉnh giá. Theo đó, dầu diesel 0,05S không cao hơn 18.716 đồng/lít, tăng 1.171 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; Dầu hỏa không cao hơn 17.637 đồng/lít, tăng 1.015 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; Dầu mazut 180CST 3,5S không cao hơn 17.210 đồng/kg, tăng 113 đồng/kg so với giá bán hiện hành.

Theo Liên Bộ Công Thương- Tài chính, giá xăng dầu thế giới tăng cao nhất trong vòng nhiều năm đang gây sức ép lên giá xăng dầu trong nước. Nhưng để “giảm sốc” tác động của việc tăng giá, Liên Bộ quyết định tăng chi quỹ bình giá đối với một số mặt hàng xăng dầu.

“Ở kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít”- đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Theo đó, tăng chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92, chi sử dụng quỹ này đối với xăng RON95, giữ nguyên mức chi quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, không chi quỹ đối với dầu mazut để hạn chế mức biến động giá xăng dầu.

Bộ Công Thương cho hay, trong 15 ngày qua, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới tăng mạnh, đặc biệt là với các mặt hàng xăng.

Cụ thể, giá thế giới là 97,36 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 9,21 USD/thùng, tương đương tăng 10,44% so với kỳ trước); 100,38 USD/thùng xăng RON95 (tăng 10,13 USD/thùng, tương đương tăng 11,23% so với kỳ trước); Các mặt hàng dầu cũng dao động tăng dưới 10%.

Thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm...

Xăng tăng giá, tiêu dùng sẽ giảm

Nhận định giá xăng dầu còn có xu hướng tăng trong thời gian tới, một chuyên gia kinh tế cho hay, xu hướng tăng giá xăng còn có thể tiếp diễn đến những tháng đầu năm 2022.

Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu (tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%). Do đó, khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước sẽ tăng theo.

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, mà hầu hết các ngành sản xuất đều liên quan đến xăng dầu.

Đây là tỷ lệ khá cao nên giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh vào giá thành sản phẩm. Đặc biệt, một số ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.

Trước áp lực tăng giá xăng dầu thời gian qua, đại diện một đơn vị vận tải tuyến Hà Nội- Lạng Sơn cho biết: “Từ khi đường bộ liên tỉnh với Hà Nội được mở cửa lại, khách rất vắng, người dân vẫn hạn chế đi lại. Giá xăng dầu tăng liên tiếp, các chi phí khác để vận hành mỗi xe vừa qua cũng tăng liên tục, giờ chúng tôi bỏ tuyến thì không được, mà chạy xe rỗng thì lỗ vốn. Vận chuyển hàng hóa cũng giảm mạnh. Tăng giá vé vào thời điểm này quá khó”.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Nếu giá mặt hàng này tăng 10% sẽ khiến GDP giảm khoảng 0,5 %.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

“Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022”- ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Cùng với việc sẽ điều hành linh hoạt giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, Bộ này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.