Gia tăng tầm ảnh hưởng

ANTĐ - Vấn đề tái thiết Libya đang được đặt ra một cách cấp bách với không ít tranh cãi trong khi tiếng súng giao tranh giữa các bên tham chiến vẫn còn vang lên tại nhiều thành phố của quốc gia này.

Những chuyến hàng tái thiết đầu tiên đã được chở tới Libya

Cuộc chiến tranh chưa phải là dài, song hậu quả mà nó để lại cho đất nước và nhân dân Libya thật nặng nề. Thiệt hại vật chất, theo đánh giá chưa đầy đủ, đã lên tới ít nhất 50 tỷ USD với hầu hết các cơ sở, công trình kinh tế-xã hội bị tàn phá.

Thiệt hại vật chất dù lớn, song vẫn không thể so sánh với tổn thất về sinh mạng con người. Theo Bộ trưởng Y tế lâm thời của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp tại Libya (NTC) cho biết, khoảng 30 nghìn người đã thiệt mạng, 50 nghìn người bị thương kể từ khi xung đột bùng nổ hồi trung tuần tháng 2 ở thành phố Benghazi.

Bởi thế, khi NTC đã cơ bản kiểm soát tình hình đất nước thì việc làm sao có thể sớm ổn định cuộc sống người dân, hàn gắn vết thương chiến tranh đã được đặt ra một cách cấp bách. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều dịch vụ công ích và nhu cầu thiết yếu như y tế, nước sạch, lương thực, điện, xăng dầu… đang thiếu hụt trầm trọng.

Hơn nữa việc tái thiết đất nước Libya cũng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Chỉ tính riêng việc khôi phục sản lượng xuất khẩu dầu mỏ, nguồn thu nhập chính của Libya, như trước chiến tranh (1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày) cũng phải mất ít nhất 3 năm.

Với những thiệt hại vô cùng nặng nề như vậy bản thân Libya khó có thể tự lực cánh sinh để khắc phục, mà cần phải có sự trợ giúp không nhỏ của cộng đồng quốc tế. Và đó chính là nguyên do dẫn tới những ý kiến và suy tính khác nhau trong sự tham gia của quốc tế vào quá trình tái thiết Libya.

Bỏ tiền của và cả vũ khí để hậu thuẫn cho NTC đánh đổ chế độ của nhà lãnh đạo  Muammar Gadhafi, các nước phương Tây mặc nhiên tự cho mình có vai trò lớn nhất tại Libya thời hậu chiến, từ kinh tế cho tới chính trị. Đây là điều đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.

Lo ngại đó như càng có cơ sở khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron cùng bất ngờ tới Tripoli giữa lúc giao tranh vẫn đang tiếp diễn giữa các bên ở Libya. Việc nóng lòng tới Libya bất chấp tình hình an ninh còn nóng bỏng và ngổn ngang cho thấy các quốc gia phương Tây đi đầu trong cuộc chiến tranh Libya muốn khẳng định vai trò số một của họ trong quá trình tái thiết.

Các quốc gia châu Phi cũng như Arab vốn có quan hệ và vai trò tại Libya tất nhiên không thể bàng quan trước việc phương Tây muốn đưa một quốc gia khu vực vào vòng ảnh hưởng gần như hoàn toàn của mình. Chỉ một ngày sau hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ tới Libya cũng thấy Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Kamel Amr và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Tripoli để bàn thảo việc tái thiết.

Song xem ra nỗ lực gia tăng ảnh hưởng hậu chiến của các nước khu vực, thế giới Arab tại Libya khó được như mong muốn bởi “lực bất tòng tâm”. Trong khi hai ông Sarkozy và Cameron cam kết giải ngân lập tức hàng tỷ USD cho việc tái thiết thì chưa thấy các quốc gia khu vực và Arab công bố điều mà NTC, chính quyền mới ở Libya, mong chờ nhất. Đó là nguồn lực tài chính tới hàng chục tỷ USD để tái thiết.