Gia tăng đáng lo nạn tống tiền bằng tư liệu nhạy cảm ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hồi tháng 2-2022, Ryan Last ở California, Mỹ nhận được một tin nhắn trong lúc học vào ban đêm. Chỉ vài giờ sau, cậu học sinh 17 tuổi, từng tham gia Hướng đạo sinh tự sát vì bị lừa đảo. Cục Điều tra Liên bang Mỹ cho hay, vụ việc là minh chứng cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của nạn tống tiền bằng tư liệu nhạy cảm.

“Ai đó đã giả làm con gái bắt chuyện với Ryan Last”, bà Pauline Stuart, mẹ của cậu cố nén nước mắt khi kể về con trai mình. Sự việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi bà và Ryan tham quan một số trường đại học để cậu có thể theo học sau khi tốt nghiệp trung học.

Ryan Last cùng mẹ mình, bà Pauline Stuart trong một tấm ảnh gia đình

Ryan Last cùng mẹ mình, bà Pauline Stuart trong một tấm ảnh gia đình

Cuộc trò chuyện nguy hiểm

Hôm đó, cuộc trò chuyện trực tuyến của Ryan nhanh chóng trở nên thân mật, và chàng trai không biết mình đã rơi vào bẫy lúc nào. Kẻ lừa đảo - đóng giả là một cô gái trẻ - đã gửi cho Ryan một bức ảnh khỏa thân và sau đó bảo Ryan chia sẻ lại hình ảnh tương tự của mình. Ngay sau khi gửi đi tấm ảnh nhạy cảm, Ryan bị phía bên kia đòi 5.000 USD, đe dọa sẽ công khai bức ảnh và gửi cho gia đình, bạn bè của Ryan. Nam sinh độ tuổi thiếu niên ở San Jose, California bối rối trả lời rằng cậu không có tiền trả và con số được hạ bớt chỉ còn 150 USD. Nhưng sau khi Ryan trả cho những kẻ lừa đảo hết số tiền nam sinh liên tiếp bị đòi thêm tiền và gây áp lực.

Thời điểm đó, bà Stuart không biết về những gì con trai mình đang trải qua. Bà chỉ biết được về tình tiết câu chuyện khi cơ quan điều tra dựng lại các sự kiện dẫn đến cái chết của Ryan. Ngày định mệnh đó, bà đã chúc con trai ngủ ngon vào lúc 22h, thấy chàng trai vẫn vui vẻ như thường ngày. Đến 2h sáng, Ryan đã sập bẫy lừa và tự lấy đi mạng sống của mình. Ryan để lại một bức thư tuyệt mệnh nói rằng anh cảm thấy xấu hổ với bản thân và gia đình. “Con trai tôi tuyệt vọng nghĩ rằng không có cách nào để che giấu những bức ảnh đó nếu bị đăng lên mạng. Nó vô cùng kinh hãi. Không đứa trẻ nào phải trải qua cảm giác sợ hãi như vậy”.

Cơ quan thực thi pháp luật Mỹ gọi trò lừa đảo này là “tống tiền bằng tư liệu nhạy cảm”. Do ngày càng nhận được nhiều đơn trình báo của các nạn nhân, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải tăng cường chiến dịch cảnh báo các bậc cha mẹ. Văn phòng FBI cho biết, họ đã nhận được hơn 18.000 đơn khiếu nại liên quan đến thủ đoạn lừa đảo này vào năm 2021, với con số thiệt hại lên đến hơn 13 triệu USD.

Tội ác cần bị tố cáo

Ông Dan Costin, chuyên gia FBI phụ trách một nhóm điều tra chuyên chống lại tội ác xâm hại trẻ em, cho biết: “Phạm tội nhắm vào trẻ em là một trong những hành vi vi phạm sâu sắc lòng tin trong xã hội”, chuyên gia này nói. Theo ông Costin, nhiều vụ lừa đảo được FBI xác định nghi phạm là người châu Phi và Đông Nam Á. Nhưng có một thách thức đối với FBI, đó là nhiều nạn nhân không báo cáo sự việc cho cơ quan thực thi pháp luật. “Sự xấu hổ là một trong những trở ngại lớn mà các nạn nhân phải vượt qua”, ông Dan Costin nói. Nhưng các nhà điều tra kêu gọi các nạn nhân nhanh chóng liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật qua hình thức trực tuyến hoặc đến thẳng các văn phòng FBI địa phương.

Các chuyên gia y tế cho biết, có một lý do chính khiến nam thanh thiếu niên đặc biệt dễ bị lừa đảo tống tiền. Tiến sĩ Scott Hadland, Trưởng khoa y học vị thành niên tại Mass General ở Boston cho biết: “Não bộ của thanh thiếu niên vẫn đang phát triển. Vì vậy, khi một điều gì đó tày trời xảy ra, chẳng hạn như một bức ảnh cá nhân được tung lên mạng, họ khó xử lý tình huống đó”. Ông Hadland cho biết, các bậc cha mẹ có thể thực hiện các bước để giúp bảo vệ con cái họ khỏi tác hại của tội phạm trực tuyến. “Điều quan trọng mà cha mẹ nên làm với con cái của họ là cố gắng tìm hiểu hoạt động trên mạng của chúng như hay vào mạng khi nào, đang tương tác với ai, sử dụng nền tảng nào. Các con có đang bị người lạ đề nghị chia sẻ thông tin, hình ảnh hay gặp áp lực gì không. Quan trọng nhất là con cái sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ mình”, Tiến sĩ Scott Hadland nói.

Vẫn đau buồn vì mất con trai, bà Stuart đang chuyển nỗi đau của gia đình thành hành động khi chia sẻ rộng rãi câu chuyện của con trai mình. Bà hy vọng rằng làm như vậy sẽ giúp cảnh báo, thậm chí cứu được thêm nhiều mạng sống. “Làm sao mà người ta nhẫn tâm lừa khi coi trọng 150 USD hơn mạng sống của một đứa trẻ? Đó là tội ác. Tôi không muốn bất kỳ ai khác phải trải qua những gì như chúng tôi”.