Gia tăng căng thẳng quân sự ở châu Âu

ANTĐ - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã bắt đầu cuộc tập trận mang tên Trident Juncture-2015 tại các nước Nam Âu gồm Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha cũng như trên Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. 
Gia tăng căng thẳng quân sự ở châu Âu ảnh 1

Lực lượng NATO tham gia cuộc tập trận Trident Juncture-2015

Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong hơn 10 năm qua. Tham gia cuộc tập trận có 36.000 binh sĩ, 140 máy bay, 90 tàu chiến và tàu ngầm của 30 quốc gia. Theo tướng Hans-Lothar Domrose, chỉ huy cuộc tập trận, mục đích của Trident Juncture-2015 là nhằm nâng cao năng lực chiến đấu và hợp tác của NATO trong môi trường chiến tranh hiện đại, cũng như để thể hiện vai trò của khối quân sự hàng đầu thế giới với khả năng và sức mạnh đủ để đối phó với những thách thức an ninh hiện tại và tương lai.

Chỉ vài dòng thông báo như vậy nhưng cũng cho thấy NATO đang gấp rút có những điều chỉnh trong bối cảnh căng thẳng quân sự ở châu Âu tăng cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hiện NATO đã nâng mức cảnh báo với lý do đối phó các mối đe dọa có thể xảy ra từ cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine hay tình trạng bất ổn tại một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi. Để thực hiện mục tiêu đó, NATO gấp rút thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới, có khả năng triển khai tới các điểm nóng trên toàn cầu trong thời gian ngắn.

Chính vì thế, cuộc tập trận Trident Juncture-2015 huy động chủ yếu lực lượng phản ứng nhanh của NATO, gồm hải quân, lục quân, không quân và đặc nhiệm. Cuộc tập trận sẽ bao gồm mọi tình huống xung đột quân sự hiện đại, trừ tấn công hạt nhân. Các nội dung tập trận bao gồm đáp trả cuộc tấn công lớn trên biển, trên không; không kích vào các mục tiêu của đối phương, đảm bảo khống chế trên không; tiếp nhiên liệu trên không; đổ bộ lên bờ biển; các hoạt động tác chiến của lục quân cũng như các hoạt động hậu cần.

Không khó khăn để có thể hiểu mục tiêu mà NATO nhằm tới chính là Nga, đối thủ đang bị NATO coi là bất ngờ dùng vũ lực để sáp nhập Crimea, gây ra căng thẳng ở châu Âu. Tất nhiên, nước Nga cũng không chịu ngồi yên để mặc NATO hành động. Học thuyết quân sự mới mà Nga công bố cách đây nửa năm đã coi NATO là mối đe dọa lớn. Tháng 7 vừa rồi, Nga lại công bố tiếp học thuyết hải quân, nhấn mạnh ưu tiên tập trung vào Đại Tây Dương và Bắc Cực nhằm đối  phó với sự mở rộng của NATO ở phía đông.

Đáp lại cáo buộc của phương Tây, Nga cho rằng chính sách hiện nay của NATO rất tiêu cực, làm gia tăng cảm giác “cận kề chiến tuyến” của các nước vùng Baltic, tạo cớ bịa đặt ra cái gọi là “mối đe dọa từ phía Nga” để che đậy những sai lầm đối nội và đối ngoại. Thậm chí Nga còn công khai cảnh báo về “cơn thần kinh chống Nga ở Tây Âu”. Tuyên bố trên truyền hình Nga, đại diện thường trực Nga tại NATO A. Glushko khẳng định Nga sẽ đáp trả và có đủ mọi phương tiện để làm việc này nếu NATO tăng cường lực lượng tại châu Âu.

Đáp lại những hành động quân sự của NATO, Nga cũng tăng cường các cuộc tập trận nhằm mục đích răn đe. Tháng 3, Nga “tập trận đột xuất” với khoảng 80.000 binh sĩ tham gia, triển khai tầm xa và giả định chiến đấu ở quy mô lớn. Cuối tháng 8 vừa rồi, Nga tiếp tục tổ chức cuộc tập trận hỏa lực rất lớn với sự tham gia của lực lượng pháo binh Quân khu phía Nam cùng 9.000 quân nhân. 

Tất cả những động thái đó khiến các học giả quân sự lo ngại rằng Nga và NATO đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Nhưng có một nguyên tắc an ninh tập thể mà ai cũng biết là không một nước nào được tăng cường an ninh bằng cách gây thiệt hại cho nước khác. Đó là điều mà châu Âu và Nga phải tính đến trong bối cảnh căng thẳng quân sự ở châu lục này đã lên mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.