Giá rét là “phép thử”

ANTĐ - Rét buốt “xuyên thế kỷ” thế này, có lẽ tôi với ông nên giã từ tách trà sáng, chuyển sang rượu nếp cái hoa vàng cho ruột gan nóng lên tí chút. Nghe nói ở trên miền núi, bà con dân tộc phải cho trâu bò uống rượu đấy.

- Trâu bò còn phải làm lụng vất vả, có tí men cho hăng máu. Ta mà nốc vào lại chẳng lao động gì chỉ tổ thêm co ro. Vả lại, ngồi ngoài trời rét mướt cũng là để chia sẻ, đồng cảm với những người lao động vừa phải chống chọi với giá rét, vừa phải mưu sinh, nhặt nhạnh từng đồng lo Tết đến nơi rồi.

- Đồng cảm quá đi chứ! Ngày xưa cũng giá rét có kém gì bây giờ. Cũng phải đốt lửa sưởi, rồi nhét cả giấy báo vào ngực cho ấm, thậm chí quấn cả giẻ rách quanh đùi cơ mà.

- Tôi vẫn nhớ, ngày trước người dân miền Bắc thường nói mình đã quen như hạt thóc giống ngâm “ba sôi hai lạnh”, nóng đổ lửa, rét cắt da có hề gì.

- Đúng thế, nhưng thực ra giờ mới ngẫm thấy, chính cái rét mới phơi lộ hết cái nghèo chứ không phải “nóng nở ra, lạnh co lại đâu”. Càng rét càng lộ nghèo.

- Ông cha ta dạy rằng, ở đời phải rét một tí mới thấy quý cái ấm nóng, đói một tí, thiếu một tí, nghèo một tí và khổ một tí thì thấy quý cái sự no, đủ, giàu và sung sướng.

- Nói tóm lại là cuộc đời không nên viên mãn quá sẽ không thấy được hết giá trị. Bây giờ không ít người đã ăn ngon, mặc đẹp, mặc ấm nên quên mất xung quanh mình, ngay ở Hà Nội thôi cũng còn nhiều người phải gồng mình trong giá rét chứ không chỉ trên miền núi cao đâu.

- Đã nói rồi mà, cái rét cứ tưởng là che giấu được, hóa ra lại “phơi” ra những mảng “da thịt” của một góc khuất an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế.

- Thế theo ông, thỉnh thoảng một vài năm trời phải “giáng” một đợt rét đậm, rét hại để thử sức chịu đựng của một đất nước, xã hội sao?

- Chẳng ai muốn thời tiết khắc nghiệt, thiên tai xảy ra. Đó là “phép thử” của tạo hóa ngoài ý muốn, song dù sao cũng là điều có ý nghĩa cảnh báo, nhắc nhở con người.