Gặp rắc rối với bộ máy nhai

(ANTĐ) - Có tới hơn 64% dân số Hà Nội gặp rắc rối với bộ máy nhai (mỏi hàm, có tiếng kêu khớp hoặc đau miệng khi nhai, cứng khớp vào buổi sáng...), nhưng lại ngại đi khám và điều trị.

Gặp rắc rối với bộ máy nhai

(ANTĐ) - Có tới hơn 64% dân số Hà Nội gặp rắc rối với bộ máy nhai (mỏi hàm, có tiếng kêu khớp hoặc đau miệng khi nhai, cứng khớp vào buổi sáng...), nhưng lại ngại đi khám và điều trị.

Trong y học, những triệu chứng đó được xếp vào hội chứng loạn năng bộ máy nhai. Về nguyên tắc, bộ máy nhai có các thành phần chính là: xương hàm, khớp thái dương hàm và các răng trên cung hàm. Vì thế, bộ máy nhai không tốt khiến việc ăn uống khó khăn hơn. Bình thường, bạn có thể nhai 5 lần liên tục mà không có vấn đề gì. Nhưng khi bị bệnh, chỉ cần nhai 2-3 lần là hàm đã mỏi. Nếu cố tình “nuốt vội” sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và toàn bộ hệ tiêu hoá, cơ thể mệt mỏi, sức làm việc kém.

Bộ máy nhai là thành phần tham gia chủ yếu vào hoạt động ăn nhai. Ảnh: Nhakhoa.net

Bộ máy nhai là thành phần tham gia chủ yếu
vào hoạt động ăn nhai. Ảnh: Nhakhoa.net

Hơn nữa, loạn năng bộ máy nhai còn ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm. Người bệnh nhẹ thì nhuyễn sụn khớp; người nặng có thể thoái hóa khớp, dính khớp, tiêu các đầu xương, có hiện tượng xơ cứng khớp hàm... làm hạn chế sự vận động của cơ nhai. Điều này giải thích vì sao đa phần người bị loạn năng bộ máy nhai có kèm theo bệnh đau dạ dày, người gầy yếu.

Loạn năng bộ máy nhai thường xảy ra ở lứa tuổi 18 đến 35 – lứa tuổi nhiều biến động tâm lý, nữ gặp nhiều hơn nam. Có nhiều nguyên nhân gây ra loạn năng thái dương hàm, nhưng răng không đều là yếu tố trực tiếp và hay gặp nhất. Trong đó, những thói quen xấu như mút ngón tay, cắn bút, ngủ tì tay một bên, chống cằm khi ngồi… sẽ gây lệch khớp cắn ở răng cửa, lệch lạc răng hàm.

Ngoài ra, thoái hoá đốt sống cổ, tật chân cao chân thấp, làm việc ở tư thế không thẳng… cũng có thể gây loạn năng bộ máy nhai. Tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bùng phát bệnh (bởi khi thần kinh căng thẳng, ngưỡng chịu đựng của cơ thể giảm xuống... và bệnh bộc lộ ra), vì thế người ta gọi đây là bệnh của những người có “cơ địa thần kinh yếu”.

Có nhiều cách điều trị loạn năng bộ máy nhai như: dùng thuốc, đeo máng nhai, vật lý trị liệu, tâm lý liệu pháp, châm cứu… Nếu tổn thương được phát hiện khi mới có triệu chứng đau mỏi cơ thì việc điều trị đơn giản, chỉ cần kết hợp một hai cách là bệnh sẽ khỏi trong thời gian ngắn. Nhưng đa phần người bệnh thường tặc lưỡi bỏ qua, khiến tổn thương ngày càng nặng, làm thay đổi cấu trúc giải phẫu của khớp.

Thông thường, những người bệnh điều trị ngay khi phát hiện triệu chứng trong vòng 1 tháng thì tỷ lệ thành công là 100%. Nếu chữa trị muộn hơn (sau khi có triệu chứng từ 1 đến 6 tháng) thì tỷ lệ thất bại là 10%, từ 6 tháng đến 1 năm là 20%, sau 1 năm là 30%. Đặc biệt, nếu điều trị muộn, việc chữa trị trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi phải kết hợp nhiều chuyên khoa, thời gian điều trị kéo dài, chi phí cao mà hiệu quả lại thấp.

Minh Vũ