Gáo nước lạnh trong quan hệ Trung - Hàn

ANTĐ - Tưởng như việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc chỉ là câu chuyện song phương, nhưng nó lại đang trở thành vấn đề nóng của cả khu vực Đông Bắc Á.

Hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD

Hôm 8-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trao công hàm phản đối cho Đại sứ Mỹ và Hàn Quốc tại nước này sau khi Washington và Seoul tuyên bố sẽ triển khai một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng việc triển khai THAAD sẽ hủy hoại an ninh, hòa bình khu vực và cũng không giúp gì cho nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thỏa thuận triển khai THAAD được Mỹ và Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên tiến hành một loạt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây. Seoul và Washington khẳng định triển khai THAAD là “một phần của các biện pháp phòng thủ nhằm bảo vệ các lực lượng quân sự của liên minh Hàn - Mỹ, đồng thời đảm bảo an ninh của Hàn Quốc và người dân trước các mối đe dọa hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên”.

Được phát triển bởi Tập đoàn Lockheed Martin và chính thức đưa vào hoạt động năm 2008, THAAD là một công cụ đánh chặn/chống tên lửa đạn đạo mới dùng để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo của đối phương ở bên trong hoặc bên ngoài khí quyển của Trái đất trong giai đoạn bay cuối cùng trước khi tới mục tiêu ở cự ly từ 150 - 200 km và tầm cao 25 km.

Một khi đi vào hoạt động, THAAD kết hợp Aegis và Patriot PAC-3 tạo nên “lá chắn” hoàn hảo giúp Mỹ an toàn hơn trước các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương. Trong đó, hệ thống Aegis đánh chặn mục tiêu ở tầm cao, THAAD chống mục tiêu tầm trung và PAC-3 ở tầm ngắn. Hàn Quốc và gần 30.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở nước này sẽ nhận được sự bảo vệ vượt trội chống lại thách thức hạt nhân ngày càng lớn từ Bình Nhưỡng so với hệ thống phòng thủ tên lửa chưa đầy đủ hiện tại của Seoul. 

Ấy thế nhưng thỏa thuận Mỹ - Hàn Quốc lại khiến Bắc Kinh lo ngại bởi những ràng buộc lợi ích an ninh trong khu vực Đông Bắc Á. Với sự xuất hiện của THAAD, lá chắn phòng vệ của Hàn Quốc sẽ được gia cố chắc chắn hơn. Tên lửa Toksa, SCUD hay No Dong phóng từ Triều Tiên sẽ không còn là những mối đe dọa quá lớn đối với nước này. Tuy nhiên, “con mắt thần” của THAAD - radar mảng pha hoạt động ở băng tần X có tên AN/TPY-2 lại là thứ khiến Trung Quốc thấy bất an. Với khả năng phát hiện các mối nguy hiểm ở cự ly tối đa 2.000 km, THAAD có thể kiểm soát được cả các tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc. 

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn tới việc xây dựng năng lực cảnh báo hạt nhân sớm, giới quan sát đánh giá, sự hiện diện của THAAD và radar AN/TPY-2 trong khu vực đương nhiên gây ảnh hưởng tới khả năng đáp trả hạt nhân của Bắc Kinh trước Washington. Trung Quốc lo sợ sẽ ở thế yếu và không kịp trở tay trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ bởi khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc bị vô hiệu hóa. 

Chính vì thế, Bắc Kinh tin rằng việc triển khai hệ thống THAAD chủ yếu là nhằm củng cố vị thế của Mỹ ở Đông Bắc Á và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ Trung - Hàn đang ấm dần lên trong mấy năm gần đây, bằng chứng là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong khi chưa từng đặt chân tới Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee là lãnh đạo duy nhất của một quốc gia đồng minh với Mỹ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít tại Bắc Kinh năm 2015, việc triển khai tên lửa phòng thủ THAAD ở Hàn Quốc chẳng khác nào như gáo nước lạnh có thể đẩy quan hệ này trở về điểm xuất phát.