Gánh nặng khó chia sẻ của người giúp việc ở Hồng Kông trong đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đại dịch Covid-19, nhiều phụ nữ nhập cư làm giúp việc ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã bị nhốt trong nhà của người sử dụng lao động nhiều tháng, không thể nghỉ việc hoặc về nước. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những bất bình đẳng tồn tại bấy lâu càng thể hiện rõ trong đại dịch khiến nhiều người lao động phải vật lộn để đối phó với gánh nặng kép.

Thường lệ vào chủ nhật, hàng nghìn người giúp việc gia đình là lao động nhập cư ở Hồng Kông, Trung Quốc lại tụ tập tại các không gian công cộng của thành phố để tận hưởng ngày nghỉ của họ. Tập trung ở các khu mua sắm, công viên hay bến xe, họ lấy chiếu ngồi quây quần bên nồi cơm, chia nhau ăn. Karen Grepin, Giáo sư tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Những ngôi làng nhỏ mọc lên ở khắp mọi nơi”.

Nhưng nhiều tháng nay, những cuộc tụ tập này đã không còn. Thay vào đó, ước tính 400.000 lao động giúp việc gia đình của thành phố đã bị nhốt trong nhà của người sử dụng lao động sau khi chính phủ đưa ra tuyên bố hạn chế tụ tập đông người để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trong tháng 12 này, chính quyền đặc khu đã đưa ra một thông báo khác rằng mức phạt vì vi phạm các quy tắc giãn cách xã hội sẽ tăng gấp đôi.

Cảnh sát Hồng Kông nhắc nhở người giúp việc duy trì giãn cách xã hội trong ngày nghỉ

Cảnh sát Hồng Kông nhắc nhở người giúp việc duy trì giãn cách xã hội trong ngày nghỉ

Áp lực gia tăng trong mùa dịch

Hầu hết lực lượng lao động nhập cư làm nghề giúp việc là phụ nữ từ Philippines và Indonesia, những người đến với thị thực đặc biệt, yêu cầu họ phải sống trong nhà của người sử dụng lao động - chủ yếu là các gia đình Trung Quốc hoặc người nước ngoài. Giáo sư Karen Grepin trong quá trình cùng các học giả khác đánh giá tác động của đại dịch lên người lao động cho biết: “Người Philippines và Indonesia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, trong khi áp lực lớn đè lên những người lao động này. Họ đang phải đối phó với tình trạng mất an ninh tài chính của chính mình, cùng với nhu cầu tăng cao về tiền gửi cho gia đình ở quê nhà. Cả đôi bên đều phải vật lộn để kiếm thức ăn hoặc tìm việc trong thời gian bị hạn chế phòng dịch”, bà Grepin nói.

Hiện các chuyên gia cảnh báo rằng nhóm yếu thế này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần bởi nhiều người không thể chịu đựng được điều kiện làm việc. Người giúp việc thường là trụ cột chính trong gia đình họ và nhiều người có con nhỏ mà không được gặp trong thời gian dài do hạn chế đi lại. Trong khi đó, khối lượng công việc tăng lên, do các gia đình Hồng Kông dành nhiều thời gian hơn ở nhà. “Những người sử dụng lao động làm việc tại nhà và trẻ em không đi học có nghĩa là phải nấu thêm các bữa ăn phụ. Mọi người chú ý hơn về mặt vệ sinh - họ muốn làm sạch giày và hệ thống thoát nước - tất cả điều này rơi vào tay người giúp việc”, bà Grepin phân tích.

Lynn, một công nhân người Philippines, 47 tuổi, cho biết, chị đã đi làm giúp việc được 12 năm, kể từ khi con út lên 3 và đã không gặp gia đình kể từ tháng 7-2019. “Các biện pháp cách ly có nghĩa là tôi sẽ không có đủ ngày nghỉ phép để thăm họ. Đó là một sự hy sinh lớn và chúng tôi chỉ có thể nói chuyện với con mình qua điện thoại, điều này thực sự khó khăn”. Nhờ được người chủ nhân từ tạo điều kiện, Lynn cũng làm tình nguyện viên tại một trung tâm y tế mà nhiều người giúp việc gia đình bị căng thẳng tìm đến. “Nhiều người bị trầm cảm, họ đến đây khóc và tôi đưa ra lời khuyên”, chị Lynn nói. Một số đã bị chủ bỏ rơi do chuyển về Trung Quốc hoặc không còn đủ khả năng chi trả; những người khác đang mắc nợ hoặc bị ngược đãi. Lynn kể: “Họ thức dậy lúc 5h sáng, làm việc cả ngày, nấu 3 bữa ăn, trông trẻ con, đi ngủ lúc 1h sáng”.

Hồng Kông vốn có giá bất động sản cao nhất thế giới nên không phải nhà nào cũng có không gian riêng tư dành cho người giúp việc. Bà Cynthia Tellez thuộc tổ chức “Sứ mệnh dành cho người lao động nhập cư” điều hành một đường dây nóng hỗ trợ những người giúp việc gia đình trong đại dịch, cho biết: “Nhiều người đang ngủ trong những điều kiện không phù hợp như trong hộc đựng đồ, trên tủ lạnh, hoặc thậm chí trên sàn nhà vệ sinh”. Bà Tellez đã hỗ trợ 270 người giúp việc kể từ tháng 6. “Họ kể vào ngày nghỉ họ không biết phải đứng đâu, được làm gì vì không được phép ngồi trên ghế sofa”. Một số người làm việc suốt ngày đêm và không có một ngày nghỉ nào trong vòng 7 tháng. Trong 2 tuần qua, bà đã nói chuyện với 9 phụ nữ đã nghỉ việc mặc dù không có công việc khác.

Bị kỳ thị vì sợ là nguồn lây nhiễm

Việc cắt giảm các quyền tự do của người lao động giúp việc gia đình diễn ra sau khi nhà chức trách Hồng Kông khuyên người sử dụng lao động không nên cho người giúp việc nghỉ vì sợ lây lan virus. “Đó thực tế không phải là một chính sách, nhưng được nhiều người coi như một chỉ thị chính thức và đã có tác động rất lớn đến phúc lợi của người giúp việc”, bà Clare Wenham thuộc Trường Kinh tế London có tham gia nghiên cứu về vấn đề giới và đại dịch Covid-19. “Chính phủ Hồng Kông đã có những hành động quyết liệt để hạn chế sự lây truyền dịch bệnh, và cần được khen ngợi vì điều này từ góc độ sức khỏe cộng đồng. Nhưng họ đã không nhận ra những tác động thứ yếu của những hạn chế đó đối với các thành phần khác nhau của xã hội, đặc biệt là những người bị thiệt thòi nhất”.

Hầu hết những người tham gia đều phàn nàn về việc bị kỳ thị do bị đổ lỗi là người mang virus. Những người mới đến Hồng Kông nhận việc vào mùa hè được yêu cầu cách ly nhưng những người chủ mới không muốn họ cách ly trong căn hộ của mình. Thay vào đó, những người giúp việc mới này phải ở trong các khu nhà trọ và điều kiện chật chội đã dẫn đến sự bùng phát Covid-19. Chính quyền cuối cùng đã cho họ ở trong những khách sạn rẻ tiền nhưng họ vẫn bị kỳ thị là người mang mầm bệnh so với các nhóm khác, mặc dù tỷ lệ lây truyền giữa những người được giúp đỡ là không rõ ràng.

Người giúp việc tụ tập nơi công cộng ở Hồng Kông thời điểm tháng 12-2020

Người giúp việc tụ tập nơi công cộng ở Hồng Kông thời điểm tháng 12-2020

Ý thức bảo vệ người lao động

Sheila Bonifacio là Chủ tịch của Gabriella Hong Kong, một liên minh nâng cao nhận thức về quyền của người lao động nhập cư Philippines ở đặc khu. Trong suốt 13 năm làm giúp việc gia đình, cô đã bị lạm dụng về thể chất và tinh thần, mặc dù giờ đây cô có một người chủ tốt và cho phép thời gian được nghỉ cô có thể làm công việc tình nguyện và điều hành một dịch vụ tư vấn di động. “Trong đại dịch này, chúng tôi là những người làm mọi thứ việc cho các gia đình. Điều ít nhất chúng tôi mong đợi là các gia đình Hồng Kông cũng quan tâm đến nhu cầu của chúng tôi”.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát trực tuyến do Gabriella thực hiện năm nay cho thấy một nửa số người giúp việc không nhận được sự hỗ trợ cơ bản từ người sử dụng lao động, một số không cung cấp khẩu trang và găng tay. Nhất là, những người giúp việc không nhận được hỗ trợ tài chính do Covid-19. “Đại dịch đã tập trung vào sự bất bình đẳng hiện có. Hơn nữa, chính quyền thông báo những người giúp việc của thành phố sẽ không được tăng lương trong năm tới. Chúng tôi là người lao động, chúng tôi không phải nô lệ. Quyền và lợi ích của người lao động là như nhau, nhưng chúng tôi bị đối xử khác biệt”, Sheila Bonifacio nói.

Hiệp hội những người giúp việc gia đình ở nước ngoài tại Hồng Kông cho biết, bản thân các gia đình cũng đang phải đối mặt với áp lực tài chính và không còn đủ khả năng để thuê lao động giúp việc. Tháng trước, chính quyền đã ban hành văn bản chỉ đạo rằng, chủ nhà không nên sa thải những người giúp việc trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và nếu họ làm việc vào chủ nhật, nên bố trí ngày nghỉ trong tuần.

“Đại dịch đã tập trung vào sự bất bình đẳng hiện có. Hơn nữa, chính quyền thông báo những người giúp việc của thành phố sẽ không được tăng lương trong năm tới. Chúng tôi là người lao động, chúng tôi không phải nô lệ. Quyền và lợi ích của người lao động là như nhau, nhưng chúng tôi bị đối xử khác biệt”

Sheila Bonifacio (Lao động nhập cư người Philippines)