Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị sửa quy định về tính giá xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, góp ý việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95, bảo đảm chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hoà và công bằng lợi ích.
  • Doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị quy định rõ về chiết khấu xăng dầu

    Doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị quy định rõ về chiết khấu xăng dầu

Tại đơn kiến nghị lần này, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo hướng cho doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng từ 3 nguồn, thay vì 1 nguồn như hiện nay. Căn cứ của đề xuất này là điểm b, khoản 1, Điều 8 Luật cạnh tranh.

Đáng chú ý, các nhà bán lẻ xăng dầu kiến nghị nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự “Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”.

Cụ thể, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí kinh doanh định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh (gồm: khâu nhập khẩu; Khâu phân phối; Khâu bán lẻ chi phí định mức dành riêng cho Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 3,5% x giá bán lẻ tại thời thời điểm bán ra) cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có lợi nhuận kinh doanh (gồm: Khâu nhập khẩu; Khâu phân phối; Khâu bán lẻ lợi nhuận định mức dành riêng cho Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 2,5% x giá bán lẻ tại thời thời điểm bán ra) cộng (+) chi phí về thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuê bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng) cộng (+) phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bao gồm các yếu tố và được xác định băng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) hoặc trừ (-) premium (nếu có) cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) cộng (+) chi phí kinh doanh định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh (gồm: khâu nhập khẩu; Khâu phân phối; Khâu bán lẻ chi phí định mức dành riêng cho Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 3,5% x giá bán lẻ tại thời thời điểm bán ra) cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có lợi nhuận kinh doanh (gồm: khâu nhập khẩu, Khâu phân phối, và lợi nhuận định mức dành riêng cho Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 5% x giá bán lẻ tại thời thời điểm bán ra) cộng (+) các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được các hạn chế như: thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt ngãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây thiếu hụt xăng dầu; đảm bảo mục tiêu của Thủ tướng chính phủ “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay, Bộ Công thương cũng không phải mất nhiều thời gian, công sức, nhân lực đi kiểm tra, giám sát…, thị trường vận hành ổn định và đặc biệt không phạm vào Điều 8, Luật cạnh tranh”- đơn kiến nghị viết.

Theo dự thảo lần 2 về sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương có đưa ra các phương án liên quan đến chiết khấu xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng lựa chọn phương án không quy định mức chiết khấu tối thiểu, để các doanh nghiệp tự quyết định và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý với các đơn vị cấp xăng dầu.

Trường hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại) các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Với kiến nghị về đại lý bán lẻ được nhập từ 3 nguồn, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ nên lựa chọn phương án này.