Gần 15.000 tỷ đồng dư nợ đang được rao bán qua Sàn Giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sàn Giao dịch nợ đã thực hiện đăng tải hàng hóa là khoản nợ, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng với giá trị dư nợ đạt gần 15.000 tỷ đồng; đã có gần 90 khách hàng đăng ký là thành viên của sàn.

Theo số liệu từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tính đến nay đã có gần 90 khách hàng là cá nhân và tổ chức đăng ký là thành viên của Sàn Giao dịch nợ và đã được cấp user thành viên truy cập. Đồng thời, cũng còn nhiều hồ sơ đăng ký khác đang được Sàn Giao dịch nợ thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Sàn Giao dịch nợ đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc đề nghị môi giới bán khoản nợ, tài sản bảo đảm với 10 tổ chức tín dụng và đã thực hiện đăng tải hàng hóa là khoản nợ, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng lên website của Sàn với giá trị dư nợ đạt gần 15.000 tỷ đồng. Đã tiếp cận với nhiều khách hàng có nhu cầu thực hiện nghiệp vụ tư vấn, môi giới và dự kiến sẽ ký hợp đồng trong thời gian tới sau quá trình chuẩn bị và thẩm định.

Sàn giao dịch nợ

Sàn giao dịch nợ

Đến nay website và phần mềm quản lý của Sàn Giao dịch nợ đã hoàn thiện, sử dụng ổn định; Sàn đang nghiên cứu để hoàn thiện, nâng cấp giai đoạn 2 cho website theo hướng mở rộng tiện ích cho khách hàng. Lượng truy cập vào website của Sàn Giao dịch nợ đã đạt gần 13.000 lượt.

Bên cạnh đó, sau thời gian giãn cách xã hội, Sàn Giao dịch nợ đã tăng cường triển khai gặp gỡ, làm việc trực tiếp tổ chức tín dụng để trao đổi, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của khách hàng, từ đó cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn.

Ngoài các khách hàng, nhà đầu tư trong nước, hiện đã có rất nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài đã quan tâm, tìm hiểu, liên hệ và gửi thư mời hợp tác với VAMC và Sàn Giao dịch nợ để chia sẻ kinh nghiệm, định hướng hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường mua bán nợ tại Việt Nam thông qua Sàn Giao dịch nợ.

Trong thời gian tới, với dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 được Chính phủ xác định trong trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất sẽ trở về bình thường, theo định hướng của Nghị quyết 54/NQ-CP, Sàn Giao dịch nợ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội. Theo đó, ngoài các tổ chức tín dụng, Sàn Giao dịch nợ sẽ tiếp cận, mở rộng đối tượng, hướng đến tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm để ký hợp đồng sử dụng các dịch vụ của Sàn.

Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp, hoàn thiện website, phần mềm quản lý; xây dựng kho dữ liệu khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ làm cơ sở để khách hàng có nhu cầu tìm kiếm mua, bán khoản nợ, tài sản bảo đảm cũng như để phục vụ công tác phân tích, cung cấp thông tin về khoản nợ, tài sản bảo đảm của Sàn Giao dịch nợ;

Tìm kiếm, xây dựng, phân loại danh mục đối với từng loại khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ (bất động sản, nhà xưởng, phương tiện máy móc, ô tô...) được nhiều khách hàng quan tâm để thực hiện các hợp đồng tư vấn, môi giới.

Sàn Giao dịch nợ chính thức đưa vào vận hành ngày 15/10/2021. Nhiệm vụ của Sàn là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm của các khoản nợ.

Khi có hàng hóa, Sàn giao dịch nợ sẽ rà soát, đánh giá lại về thông tin khoản nợ để cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn hồ sơ, hợp đồng, thủ tục mua/bán. Sàn giao dịch nợ cũng có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp doanh nghiệp có nợ xấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ.

Thông qua việc sử dụng các chức năng tư vấn, môi giới, Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ hỗ trợ và kết nối người mua và người bán có nhu cầu thật sự để gặp nhau, thương thảo và đi đến hợp tác toàn diện để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ hai nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Nguồn thứ hai là từ tổ chức tín dụng và từ các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng.