- Lấy mẫu nước súc rửa đường ống của Formosa, xác định tính chính xác việc quan trắc
- Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận khuyết điểm
- Kết thúc họp báo về việc cá chết hàng loạt ở miền Trung: Chưa có kết luận cuối cùng
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, pháp luật Việt Nam không cho phép lắp đặt hệ thống xả thải ngầm ra biển
Những phát ngôn trái chiều
Trước những thông tin cho rằng ngư dân phát hiện đường ống xả thải ngầm của Formosa dưới đáy biển gây hoang mang dư luận, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Formosa được phép xả thải và quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN-MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.
“Hệ thống của Công ty Formosa công khai chứ không phải giấu giếm, đường ống nằm dưới mực nước biển 17m, đường kính hơn 1 mét. Hệ thống xả thải của Công ty Formosa có quy trình là khi xử lý xong bằng quan trắc tự động và máy báo đủ độ đạt chuẩn mới sử dụng đường ống của hệ thống cho ra biển”, ông Nhân cho hay.
Tuy nhiên, ngày 28-4, báo chí đưa tin, tại cuộc làm việc với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà lại cho rằng: “Với pháp luật Việt Nam thì hệ thống xả thải, ống thải ngầm là không cho phép”.
Những phát ngôn trái ngược này khiến dư luận thêm một lần nữa băn khoăn về việc Formosa xả thải ngầm ra biển là được phép hay không được phép?
Người dân miền Trung khốn khổ vì cá chết hàng loạt kéo dài nhiều tuần
Giấy phép không nói ống ngầm hay ống nổi
Trao đổi với Phóng viên Báo An ninh Thủ đô, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - chuyên gia môi trường, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Pháp luật yêu cầu trước khi xả thải, hệ thống ống xả phải có đáp ứng yêu cầu về kiểm tra đo lường. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu thì việc xả ngầm hay nổi không phải vấn đề”.
“Cơ bản là trước khi xả nước thải vào hệ thống ống ngầm phải có kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước thải. Nếu hệ thống không thể kiểm tra là không được. Yêu cầu chung là phải rất dễ kiểm tra”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết thêm, với các khu công nghiệp có lượng xả thải lớn, thì theo quy chế quản lý các khu công nghiệp mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành, chủ đầu tư phải lắp đặt hệ thống đo lường tự động (để có thể kiểm soát ô nhiễm ở bất kỳ thời điểm nào) và thông báo số liệu về cơ quan quản lý. “Chúng tôi có tham gia soạn thảo quy chế này”, GS Đăng nói.
Trong khi đó, Giấy phép Xả nước thải vào nguồn nước cấp cho Formosa do Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai ký nêu rõ, Formosa Hà Tĩnh được xả thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công suất 45.000 m3/ngày đêm của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh vào nguồn nước. Giấy phép ghi “Nguồn tiếp nhận nước thải: biển ven bờ vịnh Sơn Dương, thuộc phường Kỳ Phương, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh”.
Về phương thức xả nước thải, giấy phép yêu cầu: “Nước thải sau xử lý được bơm và dẫn theo đường ống thép không rỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy, xả giữa dòng”. Nội dung giấy phép không nhắc tới việc Formosa phải xây dựng hệ thống xả thải như thế nào, lắp đặt ngầm hay phải đi ống nổi...
Formosa được xả thải tối đa 45.000m3/ngày đêm ra biển
Đã lấy ý kiến nhân dân về xả thải hay chưa?
Để cấp giấy phép xả thải cho Formosa, Bộ TN-MT ghi rõ là căn cứ vào Luật Tài nguyên nước 2012; Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT của Bộ TN-MT...
Xem lại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, chúng tôi nhận thấy, tại Điều 2 có quy định, “Công trình xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan”. Nội dung thông tin cung cấp để tổ chức lấy ý kiến phải có thuyết minh và thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng của công trình xả thải.
Trách nhiệm lấy ý kiến thuộc về chính quyền địa phương chứ không phải nhà đầu tư. Theo quy định này, hệ thống xả thải của Formosa thuộc diện phải lấy ý kiến cộng đồng (45.000m3/ngày đêm). Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa rõ, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và Thị xã Kỳ Anh có làm việc này hay không? Cần lưu ý, đây là một trong những điều kiện chính buộc phải đáp ứng thì Bộ TN-MT mới được cấp phép xả thải cho Formosa.
Các quy định về giấy phép xả nước thải vào nguồn nước tại Nghị định 201/2013/NĐ-CP cũng không thấy nêu yêu cầu mô tả hệ thống xả thải phải lắp đặt nổi hay được đi ngầm.
Cũng theo Nghị định 201/2013/NĐ-CP, giấy phép xả thải sẽ bị đình chỉ hiệu lực khi chủ giấy phép vi phạm nội dung quy định trong giấy phép gây ô nhiễm nguồn nước. Trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị thu hồi giấy phép.
Có ý kiến nhà khoa học cho rằng, đúng là Formosa có giấy phép xả thải và đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Song liệu hệ thống quan trắc tự động có phân tích được ngay các chất thải độc hại như xyanua, kim loại nặng, phenols? “Chắc là không. Mấy loại này phải thu mẫu, phân tích trong phòng thí nghiệm có thiết bị phù hợp. Và liệu có thể tin hoàn toàn kết quả tự quan trắc khi không có kiểm chứng đột xuất của đơn vị quan trắc khách quan khác?” – nhà khoa học nêu quan điểm.