Flappy Bird “nổi đình nổi đám”: Cú hích cho công nghiệp phần mềm Việt Nam

ANTĐ - “Tôi sáng lập diễn đàn Vietandroi.com đã 4 năm, hiện đang điều hành kho ứng dụng ViMarket.vn. Tôi dự định sẽ mở rộng phát triển các ứng dụng trên di động nữa và Nguyễn Hà Đông đã làm tôi có thêm quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình”- ông Lê Văn Giáp, người sáng lập diễn đàn Vietandroi.com chia sẻ.

Sản xuất game tại Công ty VNG - doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành nội dung số
và công nghệ thông tin tại Việt Nam

Thổi bùng quyết tâm cho giới trẻ

Theo ông Lê Văn Giáp, Nguyễn Hà Đông thành công khi còn rất trẻ và là người làm việc độc lập. Đây sẽ là động lực cho người trẻ Việt Nam nhìn vào và quyết tâm: “Đông làm được thì tôi cũng có thể làm được”! Các doanh nghiệp càng có thêm động lực và đặt ra cho mình mục tiêu phát triển lớn hơn, đưa ngành công nghiệp game Việt Nam lên tầm cao mới”- người sáng lập Vietandroi.com nói. 

Khá thận trọng khi đánh giá về thành công của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird nhưng ông Hồ Minh Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty Naiscorp (đơn vị từng phát triển ứng dụng Socbay iMedia với 22 triệu lượt tải và được Nokia chứng nhận là một trong bốn ứng dụng có lượt tải lớn nhất khu vực châu Á) cũng phải thừa nhận: “Sự kiện” Nguyễn Hà Đông- Flappy Bird rất nổi bật, sẽ khiến các tập đoàn, công ty và cá nhân có thêm động lực để đầu tư lớn hơn cho việc phát triển game. Nhờ vậy có thể tăng doanh thu”. Nguyễn Hà Đông là người đầu tiên của Việt Nam viết game nổi tiếng và có doanh thu lớn như vậy, dù trước đó nhiều nhà phát hành có game với hàng triệu lượt tải về và doanh thu hàng tỷ đồng. 

Công nghiệp phần mềm, nội dung số, trong đó có game của Việt Nam đã phát triển từ 5 năm trước nhưng không rầm rộ như nhiều ngành công nghiệp khác. Trong kho ứng dụng cho các sản phẩm di động của Việt Nam đã xuất hiện nhiều game đáng chú ý như: VNG với hai sản phẩm game di động là trò chơi Xếp hình và Chuồn chuồn; Công ty Color Box và Pine Entertainment với hai sản phẩm Rip Off và Pocket Army. Mặc dù không đứng đầu trong bảng xếp hạng App Store như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, nhưng game Rip Off (được Color Box bán 0,99 USD trên App Store), đã từng gây tiếng vang lớn khi chỉ 4 ngày đã có tới 2 triệu lượt tải. Pocket Army là game miễn phí nhưng cũng lọt vào thứ hạng khoảng hơn 200 trong kho ứng dụng của Apple trong thời gian dài. 

Giới am hiểu công nghệ cho rằng, Flappy Bird đã đem lại giá trị tinh thần lớn cho những người làm việc trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, họ cũng kỳ vọng vào sự “đột phá” về chính sách ở tầm vĩ mô khi Phó Thủ tướng 

Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp Nguyễn Hà Đông. “Không loại trừ khả năng, sau cuộc gặp này, ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số nói chung, công nghiệp game nói riêng sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hơn để phát triển”- một chuyên gia công nghệ thông tin chia sẻ.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Theo ông Hồ Minh Đức, Nguyễn Hà Đông thành công vì game của anh đơn giản nhưng không dễ chơi. “Game thông thường thì trong những level đầu thường rất dễ, càng ở mức cao thì càng khó nhưng Flappy Bird thì ngược lại, khó ngay từ đầu làm cho người chơi muốn chinh phục, vượt qua chính mình. Và quan trọng hơn cả là Đông dường như đã nghiên cứu kỹ về hành vi, tâm lý của người chơi, biết họ cần gì để đáp ứng. Thêm vào đó, anh may mắn vì được truyền thông tốt”. 

Còn ông Lê Văn Giáp thẳng thắn cho rằng Nguyễn Hà Đông thành công nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Người sáng lập Vietandroi.com cũng đánh giá rất cao niềm đam mê sáng tạo và năng lực của Nguyễn Hà Đông. “Việt Nam có nhiều nhân tài như thế nhưng để ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số phát triển mạnh thì các doanh nghiệp cần nguồn lực tài chính dồi dào hơn. Bên cạnh đó, chính sách phát triển cần rõ ràng, cụ thể hơn hiện tại”- ông Lê Văn Giáp nói. 

Giới chuyên gia cho rằng, cản trở chính khiến công nghiệp phần mềm chưa đột phá là bởi chính sách. Quan điểm cho rằng game tác động tiêu cực đến xã hội ít nhiều khiến sự quan tâm, đầu tư phát triển bị chi phối. Có game mới phát hành được vài tháng đã bị yêu cầu dừng lại, thị trường game rủi ro cao, không thu hút được đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nhân lực có kiến thức nhưng lại chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản, chưa có môi trường để phát huy sáng tạo. Bởi vậy, thị trường game Việt Nam vẫn chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài rồi Việt hóa, thiếu các kịch bản hoàn toàn mới để gây tiếng vang. 

“Tiềm năng thị trường Việt Nam rất nhiều. Việt Nam đang có tốc độ phát triển công nghệ thông tin cao, số lượng điện thoại thông minh ngày càng nhiều, người tiêu dùng tiếp cận nhanh các ứng dụng mới. Để ngành công nghiệp nội dung phát triển mạnh thì cần nhanh chóng khắc phục các nhược điểm”- ông Hồ Minh Đức nhấn mạnh.