Éo le “bố mẹ” đồng tính

ANTĐ - Ngày càng nhiều các cặp đồng tính có nhu cầu sinh con, nuôi con. Tuy nhiên, do chưa được thừa nhận hôn nhân, nên cặp đôi đồng tính cũng “nằm ngoài” những quy định về gia đình như mang thai hộ, nhận con nuôi… 

Con sinh ra không được thừa nhận

Anh Lê Thanh Thành (37 tuổi, Hà Nội) đã chung sống với bạn trai được 10 năm. Cuộc sống giữa hai người đàn ông ngày càng buồn tẻ, đơn điệu. Nhìn những gia đình bạn bè tất bật nuôi con lớn, con bé, suốt ngày khoe hạnh phúc làm cha mẹ trên facebook khiến anh Thành và bạn trai thấy chạnh lòng. Vì thế, anh quyết định tìm người mang thai hộ. Một cô gái quê đã đồng ý “làm mẹ” của con anh. Phôi thai là tinh trùng của anh Thành, kết hợp với trứng của cô gái và thụ tinh nhân tạo. May mắn là con gái anh Thành giống hệt bố. Tuy nhiên, không được luật pháp thừa nhận, nên “vợ chồng” anh Thành xoay xở bằng cách nhận con gái làm con nuôi. Đứa bé như luồng sinh lực tiếp thêm sức sống cho ngôi nhà của anh Thành. Anh Thành và bạn trai cũng cảm thấy gắn bó, có trách nhiệm với nhau hơn. 

Nhưng anh Thành vẫn cảm thấy đau lòng là đứa con đẻ của mình lại trở thành con nuôi. Do chưa được pháp luật thừa nhận, anh cũng cảm thấy khó khăn nếu như sau này con lớn, phải giải thích cho con hiểu về một gia đình “hai bố” như vậy. Ngoài ra, luật pháp cũng chưa chấp nhận một con có hai bố nuôi, do đó, bạn trai anh Thành luôn thấy chạnh lòng, ghen tị. 

Cũng nỗi lo lắng như vậy, nhưng gia đình chị Yến-Hương lại có mô hình “hai mẹ”. Hai chị đang sống cùng với cô con gái 5 tuổi (con riêng của chị Hương với người chồng cũ). Chị Hương rất yên tâm khi con mình có hai mẹ yêu thương và chăm sóc. Chị Yến rất yêu con của bạn gái, thậm chí luôn đóng vai “nghiêm khắc” khi dạy con. Tuy nhiên, chị Yến lo lắng rằng những định kiến, kỳ thị sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của cô con gái rượu. “Việc luật pháp chỉ không cấm người đồng tính chung sống như vợ chồng” vẫn không đủ để bảo vệ người đồng tính khỏi sự kỳ thị. Trẻ em sẽ nghĩ gì khi mô hình gia đình của mình “không được chỉ mặt đặt tên, không được thừa nhận”. 

Quyền nhận con nuôi, quyền nhờ mang thai hộ, quyền được thừa nhận mô hình gia đình “hai bố”, “hai mẹ” là chủ đề được bàn thảo sôi nổi tại Hội nghị thảo luận lấy ý kiến cộng đồng người đồng tính về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường iSEE tổ chức trung tuần vừa qua. 

Nằm ngoài luật 

Theo ông Trần Khắc Tùng - Giám đốc Nhóm chia sẻ và kết nối ICS, do không được công nhận hôn nhân nên việc nuôi con của người đồng tính cũng gặp nhiều trắc trở. Có anh nhờ chị gái mang thai hộ, vì thế, xét về gene thì là con anh, nhưng về mặt xã hội thì chị gái anh lại là mẹ của con anh, anh chỉ đóng vai cậu. Có trường hợp người yêu của anh lại nhận con đẻ của anh làm con nuôi và rất lo lắng khi con lớn sẽ không biết giải thích với con thế nào. 

Chị Nguyễn Thị Dung (Hà Nội) và con đang sống cùng bạn gái. Chị lo lắng nếu mình có rủi ro gì thì con lại phải giao về cho chồng cũ. Nhưng chị lại hoàn toàn không tin tưởng anh ta. Anh ta còn tìm đủ mọi cách xúc xiểm chị với con gái, đồng nghiệp và họ hàng. Anh ta đang kiện chị ra tòa đòi quyền nuôi con vì cho rằng “lối sống của chị sẽ ảnh hưởng xấu đến con gái”. 

 Tuy mối quan hệ chung sống, con cái của người đồng tính nảy sinh  nhiều vấn đề phức tạp, nhưng cả Luật Hôn nhân gia đình hiện hành và dự thảo sửa đổi cũng chỉ quy định cho người đồng tính có 1 quyền (quyền xác định cha mẹ và con) trong tổng số 70 quyền dành cho hôn nhân truyền thống giữa nam và nữ. 

TS Bùi Minh Hồng – thành viên ban sửa đổi Luật Hôn nhân và  gia đình (Bộ Tư pháp) cũng công nhận rằng, hiện dự thảo sửa đổi chưa đưa nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống chung của người đồng tính vào luật. Do chưa công nhận gia đình có hai bố (hai mẹ) nên chỉ có một bố hoặc mẹ được nhận con nuôi. Trong trường hợp chị Dung đang nuôi con riêng với bạn gái, nếu chị Dung gặp rủi ro gì thì đứa con sẽ được giao lại cho bố đẻ chứ người mẹ thứ 2 không có quyền gì. Việc mang thai hộ của các cặp đồng tính (hoặc người đơn thân) cũng không được pháp luật thừa nhận.