Đường sắt nợ hơn 250 tỷ tiền thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều lần kiến nghị, cơ quan thuế xác định đường sắt phải trả tiền thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (từ 18/11/2013 đến 31/12/2019) hơn 380 tỷ đồng. Đường sắt đã trả hơn 129 tỷ và chưa trả hơn 252 tỷ đồng tiền thuê.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét xác nhận diện tích đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để được miễn giảm tiền thuê đất, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo VNR, cơ sở nhà đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) được đầu tư xây dựng theo dây chuyền công nghệ do Chính phủ Ba Lan viện trợ vào năm 1970 để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, chế tạo, sửa chữa, đầu máy toa xe phục vụ cho ngành đường sắt.

Với tổng diện tích hơn 203.000 m2, kết cấu chính của cơ sở công nghiệp này gồm: Hệ thống đường sắt bao quanh khổ 1.000mm và 1.435mm, dẫn vào các nhà xưởng, nối thẳng với ga Gia Lâm và hòa vào hệ thống đường sắt quốc gia; Hệ thống kiến trúc, nhà xưởng sản xuất và khu nhà điều hành, kho chứa vật liệu, nhà nghỉ giữa ca cho cán bộ công nhân viên; Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, hệ thống khai thác và xử lý nước ngầm dưới đất; Hệ thống trạm điện 35KV phục vụ cấp điện cho toàn bộ khu vực.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm trên đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội

Nhà máy xe lửa Gia Lâm trên đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội

Cùng đó là các công trình phụ trợ: Đường giao thông nội bộ, hồ điều hòa lớn kết hợp phục vụ chữa cháy, khuôn viên cây xanh...

Năm 2013, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho VNR thuê toàn bộ diện tích này để giao cho Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm văn phòng làm việc và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Năm 2014, Sở Tài chính TP Hà Nội có quyết định phê duyệt đơn giá thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm theo đơn giá thuê đất kinh doanh, áp dụng đối với toàn bộ diện tích hơn 203.000 m2 này, mà chưa chia tách diện tích đất được miễn (đất kết cấu hạ tầng đường sắt), diện tích đất được giảm (hồ điều hòa) tiền thuê với các phần diện tích khác theo đúng hiện trạng quản lý, sử dụng của VNR từ trước.

Do vậy, tiền thuê đất bị đội lên quá cao, đường sắt chưa thể thanh toán hết. Sau nhiều lần kiến nghị, cơ quan thuế xác định đường sắt phải trả tiền thuê đất (từ 18/11/2013 đến 31/12/2019) hơn 380 tỷ đồng. Đường sắt đã trả hơn 129 tỷ và chưa trả hơn 252 tỷ tiền thuê đối với phần diện tích theo VNR là diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt và công trình công nghiệp đường sắt (gồm toàn bộ hệ thống đường sắt và các nhà kho, xưởng để phục vụ sửa chữa đầu máy, toa xe).

“Ngoài ra còn tiền thuê đất và tiền phạt nộp chậm từ năm 2020 đến nay cũng lên con số cả trăm tỷ, gây nhiều khó khăn cho đường sắt trong tình hình khó khăn hiện nay. Trong khi nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận diện tích đất công nghiệp và diện tích đất kết cấu hạ tầng được sắt sẽ được giảm, miễn tiền thuê theo luật định”, đại diện VNR cho hay.

Vì vậy, tại văn bản gửi Bộ GTVT, VNR kiến nghị Bộ xem xét, xác nhận diện tích đất thực tế tổng công ty đang sử dụng tại cơ sở nhà, đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để làm cơ sở cơ quan thuế xác định lại tiền thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển.

Cụ thể, xem xét xác nhận diện tích đất thuộc đất kết cấu hạ tầng đường sắt nối liên hoàn với đường sắt quốc gia là 63.269 m2; Diện tích đất công trình công nghiệp đường sắt là hệ thống kho, xưởng, công trình bổ trợ, khu xử lý nước thải thuộc dây chuyền công nghệ do Ba Lan thiết kế, xây dựng là 140.604 m2.