Đường sắt không thể ì ạch

ANTD.VN - Việc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được rốt ráo khởi động. Đây là dự án hạ tầng đầu tiên của Việt Nam được tổ chức lấy ý kiến cộng đồng một cách bài bản, chuyên nghiệp, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội. Dự án thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân với kỳ vọng đường sắt không còn ì ạch.

Với chiều dài đất nước hơn 1.600km, ngành đường sắt gánh vác trọng trách vận chuyển hành khách, hàng hóa lưu thông khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Một ưu thế mà đường bộ cũng như hàng không khó cạnh tranh được với đường sắt là trục đường xuyên Việt, qua hầu hết các địa phương trải dài theo hình chữ S.

Hơn thế, vận tải đường sắt còn có lợi thế về chi phí, giá cả so với ô tô, máy bay; đồng thời độ an toàn cũng hơn hẳn. Với những lợi thế đó, lẽ ra vận tải đường sắt Việt Nam phải chiếm thị phần lớn nhất, là sự lựa chọn đầu tiên của người dân. Tuy nhiên ngành này trong nhiều năm qua đã tự đánh mất cơ hội của mình.

Ngoài một số yếu tố khách quan như khổ đường ray vẫn bó hẹp từ cả thế kỷ nay; tàu xuyên Việt nhưng phải băng qua hàng trăm cây cầu “già nua”, ọp ẹp, chưa kể hàng trăm đường ngang cắt qua các khu dân cư đông đúc đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, đường sắt vẫn lép vế so với 2 phương tiện giao thông thông dụng.

Trong mấy năm gần đây, với những nỗ lực cải tiến, trang bị hiện đại, giảm thời gian chạy tàu, nhất là hàng loạt đổi mới phong cách, chất lượng dịch vụ, mở một số tuyến chất lượng cao với những đoàn tàu lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ, vô tuyến truyền hình, wifi... ngành đường sắt đã “kéo” được phần nào hành khách quay trở lại.

Song thực tế cho thấy, trong cuộc chạy đua với ô tô, máy bay, tàu hỏa vẫn bị bỏ lại đằng sau một khoảng cách khá xa. Ở đây không chỉ bàn tới cuộc đua tốc độ, mà quan trọng là tốc độ phải kéo theo cả chất lượng cao, an toàn cao và giá cả hợp lý.

Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được xác định lộ trình cụ thể. Từ nay đến năm 2020, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường đôi khổ 1.435mm. Từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt kết nối Hà Nội và TP.HCM. Với quyết tâm thay đổi, ngành đường sắt được kỳ vọng sẽ không còn ì ạch như hiện nay.