Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Nhùng nhằng vốn và tiến độ

ANTĐ - Dù số vốn xin tăng thêm 250 triệu USD chưa được phê duyệt, nhưng theo tính toán của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (XD&CL CTGT - Bộ GTVT), dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ cần phải bổ sung tới 315,18 triệu USD. Bên cạnh đó, dự án tiếp tục bị chậm tiến độ theo phương án được phê duyệt cuối cùng khoảng 2 tháng.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Nhùng nhằng vốn và tiến độ ảnh 1Vốn đầu tư đội lên quá lớn, dự án đường sắt đô thị đầu tiên tiếp tục chậm tiến độ

Tiến độ thi công chậm

Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý XD&CL CTGT cho hay, từ tháng 9-2014 đến nay, dự án đã được kiểm soát về tiến độ và phê duyệt mốc hoàn thành vào 31-12-2015, tháng 3-2016 sẽ đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, do xảy ra một số sự cố nghiêm trọng nên dự án đang bị chậm khoảng 2 tháng. “Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt, tổng thầu và các bên liên quan lập lại tiến độ và đẩy nhanh việc thực hiện, do đó tiến độ thi công trên hiện trường đã có chuyển biến nhưng còn chậm”, ông Triệu Khắc Dũng đánh giá.

Đáng nói, khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay là tổng mức đầu tư phải điều chỉnh lớn.

Trong khi số vốn bổ sung được Bộ GTVT đề xuất Chính phủ là 250,60 triệu USD chưa được phê duyệt, thì mới đây, theo tính toán của Cục Quản lý XD&CL CTGT, dự kiến giá trị điều chỉnh dự án là 868,06 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu. Đáng nói, cuối tháng 3-2015 vừa qua, trả lời Bộ GTVT về việc vay bổ sung vốn ưu đãi tại dự án này, Bộ KH&ĐT cho biết, phía Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung ương Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) chưa cam kết sẽ tiếp tục cho vay 250 triệu USD bổ sung cho dự án. Do vậy, Bộ KH&ĐT lưu ý Bộ GTVT cần chủ động tính toán đến tình huống này. Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, về việc tăng tổng mức đầu tư dự án, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt rà soát, làm rõ việc tăng tổng mức đầu tư ở đâu và nguyên nhân tăng vốn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Cần thiết thành lập BCĐ Đường sắt nội đô?

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý XD&CL CTGT, trong thiết kế, thi công, thiết bị…, một số hạng mục ở Việt Nam chưa có quy trình nên phải sử dụng quy trình, công nghệ chủ yếu của Trung Quốc, do đó khó khăn trong thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, làm chủ công nghệ.  Ngoài ra, do thời gian thi công kéo dài nên Công ty TNHH giám sát xây dựng - Viện nghiên cứu thiết kế đường sắt Bắc Kinh (nhà thầu giám sát thi công) đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng theo cách lập giá mới và kế hoạch nhân sự mới với mức lương tăng khoảng 3,5 lần so với hợp đồng đã ký. 

“Việc hợp đồng đã ký không quy định cụ thể điều chỉnh giá khi kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng chưa phù hợp quy định. Toàn bộ đơn giá người - tháng trong thời gian kéo dài được lập mới là chưa phù hợp với quy định hiện hành, thông lệ của các dự án ODA”, ông Triệu Khắc Dũng đánh giá. Do vậy, dự án cần lập ngay báo cáo giám sát, đánh giá khi điều chỉnh dự án đầu tư. Để tiến độ dự án không tiếp tục bị đình hoãn, kéo dài, đại diện Cục Quản lý XD&CL CTGT kiến nghị Bộ GTVT thành lập Ban chỉ đạo của Bộ về đường sắt nội đô, để chỉ đạo chung cả 3 Ban QLDA (Ban QLDA Đường sắt thuộc Bộ, Ban QLDA Đường sắt của Hà Nội và TP.HCM). 

Hơn 63,2 triệu USD để mua đoàn tàu 

Ban QLDA Đường sắt vừa trình Bộ GTVT dự toán mua sắm đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông, với chi phí lên tới hơn 63,2 triệu USD dựa trên chứng thư thẩm định giá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn kiểm toán AASC.

Theo đó, Ban QLDA Đường sắt đưa ra hai phương án. Phương án 1 dựa trên cơ sở so sánh, xem xét giá trị đoàn tàu do Tổng thầu lập dự toán, giá trị thẩm tra của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), giá trị dự toán sau khi đã sửa các sai sót và xác định lại tỷ giá, giá trị thẩm định giá của AASC, thì số tiền mua là hơn 63,2 triệu USD (giá trị trọn gói đến chân công trình bao gồm sản xuất, vận chuyển, lắp đặt, thuế hải quan). Phương án 2, tạm duyệt giá trị dự toán đoàn tàu trên cơ sở tổng mức đầu tư với giá trị là 51,7 triệu USD bao gồm chi phí mua sắm đoàn tàu hơn 47 triệu USD và chi phí dự phòng là 4,7 triệu USD.

Tuy nhiên, Cục Quản lý Chất lượng và xây dựng công trình giao thông kiến nghị, nên thực hiện trên cơ sở Chứng thư thẩm định giá của AASC.