Đường hằn lún sống trâu, phí đòi tăng kịch trần

ANTĐ - Dù mới được đầu tư, nâng cấp cải tạo với kinh phí gần 800 tỷ đồng cách đây 3 năm, nhưng mặt đường QL 5 đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng đường bị hằn lún, gồ ghề sống trâu, mất ATGT xuất hiện dọc tuyến nhưng mới đây, đơn vị thu phí lại đề xuất tăng kịch trần mức phí thu trên tuyến QL 5.

Đường hằn lún sống trâu, phí đòi tăng kịch trần ảnh 1Quốc lộ 5 nhiều đoạn hằn lún, gồ ghề như sống trâu

Vừa sửa đã xuống cấp

Năm 2013, trước tình trạng xuống cấp của tuyến QL 5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký kết hợp đồng đầu tư dự án cải tạo QL 5 với Ngân hàng phát triển Việt Nam với tổng số tiền 794 tỷ đồng. Là tuyến đường huyết mạch, lưu lượng phương tiện lưu thông trên QL 5 rất lớn, từ 30.000-32.000 lượt xe/ngày đêm. Bởi vậy, mặt đường QL 5 sau 3 năm cải tạo, nâng cấp đã xuống cấp. Nhiều đoạn hằn lún kéo dài, mặt đường lồi lõm sống trâu khiến các phương tiện lưu thông gặp khó khăn. Đó còn chưa kể tình trạng ùn ứ thường xuyên diễn ra. 

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện đoạn qua khu vực Hưng Yên, TP Hải Dương, Hải Phòng bị hằn lún nghiêm trọng nhất. Nhiều đoạn mặt đường hằn thành rừng rãnh như… ruộng bậc thang, được xử lý kiểu vá víu khiến mặt đường như một tấm áo rách. Một số đoạn được đơn vị bảo trì xử lý lún bằng cách dùng máy cào để cào bằng phần gồ lên để lại trên mặt đường những vết cào xé nham nhở. Anh Nguyễn Văn Huy, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng bức xúc: “Tôi thường xuyên đi lại nên thấy tuyến QL 5 Hà Nội - Hải Phòng xuống cấp nhanh quá, mới được vài năm mặt đường đã lại như cũ”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), đơn vị được giao quản lý, bảo trì tuyến QL 5 cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên xử lý sự cố hằn lún trên tuyến đường. Những đoạn bị lún dưới 2,5cm sẽ sử dụng máy cào để cào bằng, còn những vị trí lún trên 5cm sẽ bóc lên thảm lại. “Hằn lún vệt bánh xe là vấn đề đau đầu của cả ngành giao thông, đến nay chưa có giải pháp trị dứt điểm. Trong khi đó, QL 5 có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, nhiều xe container tải trọng lớn nên mặt đường cũng nhanh xuống cấp”. Hiện nay, tuyến đường vẫn nằm trong thời gian bảo hành. 

Đáng nói, từ ngày 20-1-2009, việc thu phí QL 5 đã được bàn giao cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang triển khai. Nghịch lý ở chỗ, kinh phí duy tu, bảo trì QL 5 hàng năm lại được lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương. Theo Cục Quản lý Đường bộ 1, hàng năm, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp khoảng 8 tỷ đồng để duy tu tuyến quốc lộ này. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lâm cho hay, Cục 1 chỉ được giao để quản lý, bảo trì, còn việc thu phí do cấp trên quyết định!

Chưa sửa chữa đã muốn tăng phí kịch trần 

Đường xuống cấp, doanh nghiệp được thu phí để đầu tư tuyến đường khác còn người dân phải đóng phí để bảo dưỡng, duy tu. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, VIDIFI đã đề xuất với Bộ GTVT và các bộ, ngành khác để xin tăng phí kịch trần trên tuyến QL 5. Cụ thể, từ ngày 1-4-2016, phí trên QL 5 sẽ thu thấp nhất là 52.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi, cao nhất là 200.000 đồng/lượt/xe tải 18 tấn trở lên, container 40 feet.

Kiến nghị này của VIDIFI dù chưa được thông qua nhưng đã khiến dư luận bức xúc. Đại diện một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội bày tỏ: “Mức tăng như vậy là quá cao,  rất khó chấp nhận. Mặt đường đã xuống cấp, mất ATGT nhưng đơn vị thu phí không tính cải tạo, sửa chữa mà lại đề xuất tăng phí, làm khó người dân và doanh nghiệp”. 

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Ban hành chính nhân sự VIDIFI cho biết, lý do xin tăng mức thu phí nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung hỗ trợ cần thiết đối với dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. VIDIFI được giao làm chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT và được quyền thu phí QL 5 đến hết thời gian kinh doanh BOT (29 năm) để hỗ trợ thu hồi vốn dự án. Về cơ sở để điều chỉnh mức thu phí, ông Nguyễn Văn Huỳnh cho rằng, mức phí tuyến QL 5 giữ nguyên từ năm 2005 đến  nay trong khi các tuyến đường lân cận như QL 18, 21, 10 đều đã tăng. 

Về nghịch lý VIDIFI được thu phí nhưng lại được miễn trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa đường, đại diện VIDIFI cho rằng, việc đầu tư, bảo trì mặt đường QL 5 là do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đảm nhiệm. VIDIFI không được giao việc này. Tuy nhiên, VIDIFI cũng muốn tiếp nhận việc sửa chữa để khép kín quy trình, từ thu phí đến duy tu.