"Đuổi việc" với "xử lý" có khác nhau?

ANTD.VN - Ngày 31-8, trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP.HCM, đại diện Sở GD-ĐT đã khẳng định trong thời gian chờ điều chỉnh Quyết định 21 về quản lý dạy thêm, học thêm, Sở sẽ quyết liệt trong việc không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hay ngoài trường. 

Minh họa: Internet

Nếu giáo viên vi phạm sẽ xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc, hiệu trưởng cũng chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc học sinh tham gia học thêm của giáo viên trong đơn vị mình phụ trách.

Ngay lập tức, quyết định trên đã nhận được nhiều phản ứng không đồng tình, đặc biệt từ phía các giáo viên và nhà trường. Trước đó, cũng trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP.HCM, một hiệu trưởng đã phải bật khóc khi nói về quy định cấm dạy thêm, học thêm mà năm nay, UBND TP.HCM đang tỏ quyết tâm sẽ thực hiện triệt để.

Nhiều giáo viên, hiệu trưởng khác cũng phải rơi nước mắt khi bày tỏ ý kiến của mình về quy định này, dư luận cũng nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có những ý kiến cho rằng quyết định của TP.HCM như trên là chưa phù hợp. 

Trước những luồng dư luận gây hoang mang cho giáo viên trước thềm khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phải ra thông báo đính chính thông tin được lan truyền, cho rằng quy định xử lý đuổi việc giáo viên dạy thêm là áp dụng đối với giáo viên dạy thêm học sinh mà mình đang dạy chính khóa, rằng điều này được thực hiện theo khoản 4b, điều 4 của Thông tư 17 do Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2012.

Sở cho rằng việc tổ chức phụ đạo học sinh yếu - kém và bồi dưỡng học sinh giỏi là một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm đã được quy định của các nhà trường. Các trường tại TP.HCM đã và sẽ tiếp tục thực hiện công việc đó theo kế hoạch năm học và không thu học phí của học sinh.

Sở khẳng định thêm, từ năm học 2016-2017, thành phố sẽ chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong tất cả các trường học theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và chấp thuận của Bộ GD-ĐT. Trong thông báo sau đó, Sở này đã thay thế cụm từ “Xử lý mức cao nhất (đuổi việc) nếu giáo viên vi phạm” bằng cụm từ “tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Viên chức và Nghị định về xử lý kỷ luật viên chức”.

Rất nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương phải siết chặt và chấn chỉnh nạn dạy thêm - học thêm, nhưng việc thực hiện nhiều năm qua cho thấy còn nhiều bất ổn. Bởi thực tế, dạy thêm, học thêm xuất phát từ những vấn đề tồn tại cố hữu trong nền giáo dục như chương trình học quá nặng, bệnh thành tích, lương giáo viên qua thấp…

Nếu không giải quyết triệt để những vấn đề này mà cứ loay hoay cấm dạy thêm, thì rõ ràng chỉ là giải quyết phần ngọn, chỉ là “phanh gấp một đoàn tàu nhiều toa” - theo như ý kiến của các chuyên gia. Hơn nữa, nếu cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà vẫn cho phép các các trung tâm dạy thêm thì cũng chỉ là thay đổi hình thức từ việc giáo viên dạy cho nhà trường sang dạy thuê cho các trung tâm, chẳng khác nào “bình mới, rượu cũ”.

Đó là chưa kể khi dạy thêm trong nhà trường thì ban giám hiệu có thể quản lý được chương trình dạy, mức học phí rẻ hơn so với học trung tâm, tận dụng được cơ sở vật chất trong nhà trường… Vậy nên chăng việc quản lý dạy thêm, học thêm phải có thời gian để nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, tham khảo ý kiến của các chuyên gia để tìm ra giải pháp “hợp tình, hợp lý”, chứ không nên nóng vội mà gây nên những bức xúc cho giáo viên.