Đừng tham bát, bỏ mâm

ANTĐ - Thể dục dụng cụ (TDDC) chính thức bị cắt khỏi hệ thống thi đấu SEA Games 27, điều nhiều người quan tâm lúc này là ngành thể thao sẽ đối xử thế nào với những VĐV bỗng dưng… “thất nghiệp”. Nỗi lo bị rút ruột kinh phí đang khiến lãnh đạo cùng các VĐV bộ môn này lo lắng.

Mất SEA Games, nhưng Hà Thanh, Ngân Thương vẫn rất cần được chăm chút tốt vì mục tiêu ASIAD

Mấy ngày qua, giới quan chức thể thao Việt Nam không khỏi tiếc nuối và bức xúc trước việc nước chủ nhà Myanmar thẳng tay loại TDDC khỏi hệ thống thi đấu SEA Games 27. Theo lời thuật lại của Phó chủ tịch Uỷ ban Olympic Hoàng Vĩnh Giang - người trực tiếp dự phiên họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á, chủ nhà     Myanmar đã thẳng thừng rằng, nếu môn nào mà họ không đoạt ít nhất 1/5 số huy chương thì không tổ chức.

Với cách làm đó, Myanmar gần như chắc chắn giành ngôi nhất toàn đoàn. Lâu nay, việc nước chủ nhà loại bỏ các môn thế mạnh của các nước khác và thêm vào các môn sở trường của mình vốn đã trở thành thông lệ tại mỗi kỳ SEA Games. Rồi chuyện mặc cả, chia chác huy chương giữa các quốc gia tham dự cũng được xem là phần không thể thiếu tại giải đấu “vùng trũng” này. Nỗi bức xúc mà Myanmar đem tới cho các quốc gia Đông Nam Á cũng chính là cảm giác mà họ phải trải qua mỗi khi phải làm khách tại các kỳ Đại hội trước. Điều đó lý giải, dù bị ngang nhiên cắt hàng loạt môn, nội dung sở trường nhưng các nước vẫn phải vui vẻ chấp nhận, coi nó như một phần của cuộc chơi. 

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, đã đến lúc ngành thể thao chỉ nên coi SEA Games làm bàn đạp cho các giải đấu châu lục, thế giới. Nói cách khác, SEA Games 27 cũng chỉ như một giải đấu giao hữu, cọ xát trước khi bước vào sân chơi ASIAD. Không được dự SEA Games, các VĐV TDDC càng cần phải được dự các giải giao hữu khác. Cùng với đó là sự quan tâm và đầu tư đúng mức. Song hiện nay, bộ môn này đang đối mặt nguy cơ bị “rút ruột” kinh phí.

 Nguyên do là ngành thể thao đang cân nhắc việc “ăn theo” các môn lạ hoắc mà Myanmar vừa đưa vào hệ thống thi đấu. Với các môn này, nước chủ nhà sẽ độc chiếm khoảng 70% lượng huy chương, số còn lại chia cho các nước có VĐV tham dự. Cách làm “ăn xổi” này lâu nay vẫn được ngành thể thao hưởng ứng để chạy đua tốp 3 Đại hội. Nếu chuyện bị rút kinh phí thành hiện thực, rõ ràng sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến mục tiêu ASIAD 2014 của TDDC. Chưa kể, tâm lý của các VĐV đang bị ảnh hưởng lớn sau khi cơ hội giành huy chương (tương đương các mức tiền thưởng theo quy định Nhà nước) đã bị tước bỏ. Hơn lúc nào hết, các VĐV cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ ngành thể thao trong việc tập luyện và thi đấu, để hướng tới mục tiêu ASIAD, xa hơn là Olympic.

Mất đi “mỏ vàng” SEA Games không đáng tiếc bằng nếu TDDC mất đi sự quan tâm, tiếp động lực cho các VĐV để chinh phục các đỉnh cao. Bởi chẳng phải Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Trần Đức Phấn đã từng nói: “Nếu được đổi 96 HCV SEA Games 2011 lấy một HCV Olympic, tôi sẵn sàng!”, đấy sao.