Đừng sa tiếp "bẫy" vốn vay

ANTĐ - Trong khi Trung Quốc muốn cho Việt Nam vay hơn 300 triệu USD để đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thì rất nhiều bộ, ngành cũng như chuyên gia kinh tế đồng thanh lên tiếng đề nghị cần cân nhắc thận trọng. Không phải nguồn vốn nào chúng ta cũng có thể dễ dãi chấp nhận. Vì sao trong bối cảnh đang “khát” trầm trọng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng ta lại ngập ngừng?

Theo phân tích của Bộ Tài chính, các khoản vay ODA của Trung Quốc đều có những trói buộc như phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị của nước họ. Trong khi đường cao tốc cần tính toán kỹ về công nghệ và chất lượng để giảm rủi ro. Điều tối quan trọng là Móng Cái sát biên giới, cần phải hết sức tỉnh táo.

Sở dĩ họ thiết tha muốn cho Việt Nam vay vốn làm dự án này là nhằm mục đích kết nối đường cao tốc từ Trung Quốc đến cảng Vân Đồn. Trung Quốc muốn sử dụng cảng này để xuất nhập khẩu thuận lợi. Giải thích lý do không nên nhận vay vốn từ Trung Quốc, các chuyên gia chỉ ra hàng loạt dự án vay vốn ưu đãi của nước này đã trở thành... ngược đãi. Một số chuyên gia nói thẳng rằng, không nên vay vốn ODA của Trung Quốc cho bất kỳ dự án nào, không riêng gì cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Điển hình là dự án dường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Sau nhiều lần lữa và thất hứa, dự án không chỉ chậm tiến độ, gây tai nạn, mà còn đội vốn lên 868,04 triệu USD so với dự kiến ban đầu là 552 triệu USD. Những dự án không vay vốn ưu đãi của Trung Quốc nhưng do họ là nhà thầu cũng rơi vào tình cảnh tương tự như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhà máy thép Lào Cai, đường ống nước sạch Sông Đà...

Việt Nam không thể đóng cửa hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng chúng ta đã và đang phải trả giá đắt với cách cho vay của họ. Họ thường cho vay một khoản tiền không đủ cho dự án, sau đó nhà thầu để xảy ra bê bối, nâng tổng số tiền vay lên nhiều lần, dẫn tới hệ quả khôn lường.

Lợi ích của Trung Quốc khi bỏ vốn ODA vào Việt Nam là bán được hàng, dù chất lượng tồi, công nghệ rởm, kéo dài thời gian triển khai dự án, khiến chi phí của Việt Nam tăng lên. Hậu quả tồi tệ nhất là nước ta ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực. Dân ta có câu: “Của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của không ngon”. Từ chối sớm ngày nào tốt ngày ấy, không chỉ tốt bây giờ mà tốt cho cả mai sau.