Đừng quản lý rượu theo kiểu… đuổi theo vi phạm

ANTĐ - Những ngày qua, dư luận kinh hoàng trước các vụ ngộ độc rượu ở tỉnh Quảng Ninh làm 6 người tử vong cùng nhiều người phải nhập viện. Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, các sản phẩm rượu của Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (quận Long Biên, Hà Nội) cho thấy hàm lượng methanol cao gấp từ hơn 1.600 đến hơn 2.900 lần tiêu chuẩn cho phép. Đây là chất rất độc, với một lượng nhỏ có thể gây mù, nhiều hơn có thể gây tử vong nhanh chóng. 

Hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án, tiếp tục truy cứu hồ sơ, chứng từ liên quan cũng như trách nhiệm từng cá nhân. Vấn đề đặt ra là vì sao rượu độc như vậy vẫn đóng vào can, chai, dán nhãn mác đàng hoàng? Rượu độc chết người đã lọt qua các khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất cũng như các cơ quan quản lý, vì sao?...

Trong kinh doanh sản xuất rượu, theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh, việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép. Tuy nhiên, đa số các cơ sở sản xuất rượu thường chỉ mua nguyên liệu về sản xuất nên chất lượng rượu rất khó kiểm soát. Để được cấp giấy phép sản xuất rượu, các DN này đối phó bằng cách đi mua rượu đạt chuẩn về đóng chai mang đi đăng ký. Còn sau đó, việc pha cồn thành rượu như thế nào, chất lượng ra sao... cơ quan chức năng quản lý hầu như không quản được. Đến đây có thể hiểu vì sao có chuyện rượu có nồng độ methanol độc hại cao gần 2.000 lần cho phép, dẫn đến việc người sử dụng tử vong như ở Quảng Ninh vừa qua.  

Cho dù trên một sản phẩm rượu có tới 4 cơ quan chức năng quản lý, như giấy phép kinh doanh do Sở KH-ĐT cấp, giấy phép sản xuất rượu do Sở Công thương cấp, nhãn hiệu do Sở Khoa học - Công nghệ cấp, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm rượu cao độ do Sở Y tế cấp, nhưng chuyện ngộ độc rượu lần này cho thấy quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng rượu đang có vấn đề với nhiều lỗ hổng lớn, nên dù có những vòng kiểm soát tưởng chừng rất gắt gao nhưng vẫn lọt lưới rượu độc ra thị trường. Và chỉ sau khi có người chết mới kết luận rượu không đảm bảo an toàn thì không thể chấp nhận được. Trước đó cơ sở sản xuất rượu này từng nhiều lần vi phạm bị xử phạt hành chính. Từ hình thức xử phạt không nghiêm minh đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng? 

Quốc hội và người dân cả nước rất bức xúc trước thực trạng “một mâm cơm, ba bộ quản”, có nhiều cơ quan được giao chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhưng khi xảy ra sự cố chẳng cơ quan nào chịu trách nhiệm. Quản lý thị trường, Y tế hay cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ ngộ độc rượu Hà Nội 29?

Bộ Y tế, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra thông báo khẩn cấp khuyến cáo người dân không mua, sử dụng loại rượu có nhãn Rượu Nếp 29 Hà Nội, không sử dụng các loại rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không phải thứ rượu nấu thủ công của những lò rượu “cổ truyền ” mà là rượu có nhãn mác, có “mã số, mã vạch” nghiêm chỉnh nhưng mà vẫn là rượu độc methanol. Vụ việc này một lần nữa cho thấy vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta đang ở mức“ báo động đỏ”. Và vấn đề quản lý, kiểm định chất lượng thực phẩm rượu cũng phải đặt ở mức “báo động đỏ”.

Thị trường rượu càng phức tạp, khó quản lý khi quả bóng trách nhiệm lại được “đá” lòng vòng. Ở lần kiểm điểm trách nhiệm này, tình trạng “đá bóng” trách nhiệm có lặp lại giữa các nhà quản lý như từng diễn ra ở việc quản lý giá sữa trước đây? Số người bị chết vì ngộ độc rượu nói riêng và ngộ độc thực phẩm nói chung chắc chắn sẽ không dừng lại nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ, rõ ràng, chấm dứt kiểu xử lý “chữa cháy”, đuổi theo vi phạm. Nếu không, thật đáng hoang mang và thất vọng.