Đừng kiếm lời trên lưng người bệnh

ANTD.VN - Đến thời điểm này, Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã bội chi gần 3.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tổng quỹ này trên cả nước được xác định là 28.220 tỷ đồng, nhưng các địa phương đã phải chi trả chi phí khám chữa bệnh lên tới hơn 30.372 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT đã đến mức báo động.

Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam - đơn vị quản lý, sử dụng quỹ BHYT đã “điểm mặt chỉ tên” các hiện tượng, thủ thuật lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT xảy ra ở các cơ sở y tế trên toàn quốc với nhiều cấp độ khác nhau.

Về phía người bệnh, lợi dụng tình trạng thông tuyến, nhiều trường hợp người có thẻ BHYT đi khám bệnh tới 27 lần/tháng tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Về phía các cơ sở y tế, phổ biến hơn cả là tình trạng tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh để được BHYT chi trả nhiều tiền. Có những hồ sơ bệnh án điều trị đầu gối của người bệnh phải chịu tới 6, 7 thủ thuật trong một ngày.

Để thu được nhiều lợi nhuận, nhiều bệnh viện không ngại sử dụng các biện pháp chẩn đoán, điều trị quá mức cần thiết, không phù hợp như yêu cầu bệnh nhân trải qua nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh cũng như lạm dụng nhiều loại thuốc đắt tiền cho người bệnh có thẻ BHYT. Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng lạm dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao.

Một số cơ sở khám chữa bệnh sử dụng các loại thuốc có hàm lượng không phổ biến, ít cạnh tranh trong đấu thầu nhưng lại trúng thầu với giá cao hơn nhiều loại có hàm lượng phổ biến. Trong khi đó, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là, bệnh viện đa khoa lắp đặt nhiều máy xét nghiệm do các công ty hóa chất trúng thầu ký hợp đồng cho mượn máy với điều kiện ràng buộc về số lượng hóa chất mà bệnh viện phải sử dụng. Tổng chi phí các xét nghiệm thực hiện bằng máy chỉ trong một năm đã hơn 20,2 tỷ đồng.

Lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT là vấn đề gây bức xúc đối với người bệnh, nhất là sau khi thực hiện tăng giá dịch vụ y tế. Tình trạng này ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Hậu quả tất yếu là người bệnh không được chi trả đúng và đủ quyền lợi BHYT của mình. 

Là cơ quan thay mặt người dân mua dịch vụ y tế từ các cơ sở y tế và thanh toán các chi phí khám chữa bệnh đó theo quyền lợi được hưởng cho nơi đã cung cấp dịch vụ y tế, BHXH Việt Nam cần có đánh giá về chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân tham gia BHYT đã đảm bảo hay chưa, từ đó đề ra các giải pháp quyết liệt bảo vệ quyền lợi của người mua BHYT. 

Lạm dụng trục lợi Quỹ BHYT chính là trục lợi kiếm tiền trên lưng người bệnh cũng như khoét mòn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù. Một ngành cao quý chăm lo sức khỏe người dân như ngành y tế thì tiêu chí đầu tiên phải là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh chứ không phải kinh doanh, kiếm lời như những ngành khác.