Du xuân kiểu gì cũng vui!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thường cứ sau Tết, là mùa khai hội, đủ thứ hội, khắp nơi hội và suốt tháng Giêng hội. Khổ nỗi năm nay, cũng như năm ngoái, Covid-19 báo hại, nên người Hà Nội cũng đành chịu nhẫn ở nhà chứ không tung hoành ngang dọc như mọi mùa xuân trước.
Khoác trên mình bộ trang phục truyền thống làm điệu trước ống kính để lưu lại những hình ảnh đẹp cũng là một cách du xuân - Ảnh: LAMTHANH

Khoác trên mình bộ trang phục truyền thống làm điệu trước ống kính để lưu lại những hình ảnh đẹp cũng là một cách du xuân - Ảnh: LAMTHANH

Thật ra, chẳng nhẫn chẳng được, mới nới giãn cách để mà được đi hội, thì tấm ảnh đông cả vạn người ở chùa Tam Chúc đã ngập tràn trên mạng. Xã hội lao xao hết cả, đông thế thì phòng dịch làm sao? Báo chí đưa là 5 vạn người, chùa Tam Chúc thành chùa Chen Chúc. May mà các lễ hội lớn năm nay như chùa Hương, Yên Tử… cũng khai hội nhưng không thấy ảnh, chắc thái độ thận trọng nhiều nghĩa quyết định việc này, nên không mang tiếng chen chúc. Chứ như những năm trước thì chả thoát.

Đến cả lễ hội Đền Trần, mọi năm đông khủng khiếp, năm nay cũng vắng vẻ như thể việc quan tâm đến chức tước và bổ nhiệm không còn làm người ta mấy bận lòng… Nếu không vì dịch, chắc chắn những tấm ảnh vạn người chen nhau ở mọi điểm di tích ắt là còn nhiều hơn nữa. Lễ lạt, dâng sao giải hạn, hội xa hội gần có bao giờ không quá một tháng sau tết đâu. Nói chung tinh thần chống dịch nước ta rất đáng biểu dương, hy sinh cái thú vui chen nhau đi hội rõ là một biểu hiện lành mạnh và tự giác, muốn nói khác cũng khó.

Nhưng mà thôi, nói sang chuyện khác, nhiều người, thấy người ta đi hội nghìn nghịt thì cứ đem cái sự ham cầu cúng ra chỉ trích. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, nghĩ cho cùng, đi hội là do cái thói ham vui quyết định. Lòng thành mấy cũng phải đi kèm việc đông đúc vui vẻ, bõ công thuê cả chuyến xe, với vài gia đình, dăm bạn bè, rồi kết hợp áo xống máy ảnh tiện thể du xuân.

Chứ đi hội chỉ để khấn Phật không thôi thì cứ chùa gần mà lễ, hay cứ ở nhà thanh tịnh mà lễ cũng được. Muốn cúng dường ví Momo mà gửi cũng được, đâu cứ phải tận hòm công đức. Phật tại tâm mà, cứ gì phải đi xa đi nhiều người đâu. Du xuân kết hợp cầu cúng lễ lạt, việc ấy chẳng phải là quá phổ biến hay sao? Tóm lại, đừng chỉ trích việc đi lễ đông, ngại thì đừng chen vào đấy, còn người ta chen là việc người ta, làm sao quyết định người khác phải vui cách nào.

Cũng may là trong cái sự tìm vui, dân mình nhiều sáng kiến. Ít lâu nay sau Tết, là những cuộc du xuân không kết hợp cầu cúng, chỉ đi tìm cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên, cũng trở thành niềm vui của rất nhiều người. Sau rằm, là gọi nhau đi săn hoa, hoa đào hoa mận nở muộn trên miền Tây Bắc. Chẳng phải mùa lúa chín hay nước đổ trên ruộng bậc thang, Tây Bắc mùa xuân cũng vẫn cứ đầy quyến rũ.

Ngắm phong cảnh núi rừng, khám phá phong tục tập quán của đồng bào là một cách du xuân tuyệt vời

Ngắm phong cảnh núi rừng, khám phá phong tục tập quán của đồng bào là một cách du xuân tuyệt vời

Từng cụm nhỏ với những nếp nhà đất mái phủ rêu được bao quanh bằng hoa đào rừng hồng rực, hoa mận hoa lê trắng muốt. Trẩu và sở cũng nở trắng rừng. Muộn thêm vài tuần, là hoa gạo đỏ Hà Giang, gọi nhau đi những Y Tý, Bắc Hà ở Lào Cai, Cán Tẩu tận Hà Giang, toàn những chỗ xa xôi, cốt để xem hoa nở.

Nếu không đi xa quá được, không được nhìn hoa rừng hoa núi trong cái không gian khoáng đạt, hoang sơ và thanh khiết miền rừng, thì cứ loanh quanh mấy cây sưa nội thành Hà Nội, mấy chục cây hoa gạo mạn Chương Mỹ ngoại thành, là vô số các bà các cô cũng mãn nguyện lắm rồi. Không xem được hoa ban Sơn La thì vào trong khu đô thị Ciputra cạnh chân cầu Thăng Long cũng được.

Không hoa lê phía Sapa thì mua lê bán ở Nghi Tàm về cắm mà thưởng ngoạn. Mùa sau tết, Hà Nội đẹp đẽ sang trọng trong rất nhiều loài hoa đẹp, các bà các chị chỉ việc sáng ra mang cái túi to to có dăm bảy bộ áo dài, đi du xuân trong phố một ngày trời, đường Phan Đình Phùng xong lên thung lũng hoa Hồ Tây là có hẳn mấy bộ ảnh để hiện tại hân hoan và sau này con cháu trầm trồ, tội gì mà không vui chứ.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Đi chụp ảnh, thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến dịch bệnh, vì đi không cần đông, chỉ cần cảnh đẹp. Đông quá không thay được áo dài rồi ống kính người nọ vướng vào ống kính máy ảnh người kia. Mùa sau Tết là mùa ảnh đẹp nhất của các bà các chị trong năm, thật ra là bắt đầu mùa ảnh đẹp, vì sau đó sẽ đến mùa dã quỳ, mùa sen… Chưa nói đến lạc chân ra ngoại thành chút xíu là vườn bưởi vườn cam cũng đang độ ra hoa. Mạn Hòa Bình, Tuyên Quang, bạt ngàn những vườn cam thơm ngào ngạt. À nhưng để chụp ảnh thì cốt hoa đẹp, không cốt hoa thơm nên cây cối mạn này hiện vẫn còn được bình an mà tỏa hương trong vắng vẻ.

Tóm lại du xuân kiểu gì vẫn cứ là niềm vui, nếu vì lý do nào đó người Hà Nội không chen nhau vào những lễ hội đông vạn người thì cũng có thể tách ra từng nhóm mà thưởng hoa chụp ảnh. Tất nhiên thưởng hoa chụp ảnh là việc đàn bà ham hơn đàn ông, nhưng cũng như đi hội lễ thôi, đàn bà còn bận thay áo dài và làm điệu bộ bên hoa, nên lẽ đương nhiên vẫn cần đàn ông chụp ảnh và “post phây”…

Đời sống cứ vui thế thật ra là tốt!