Nhiều người lo ngại giữ vàng miếng thương hiệu khác SJC
Giữ vàng lo ngay ngáy Thời gian gần đây, nhiều người rất ngạc nhiên trước giá vàng miếng của một trong những thương hiệu lớn là Bảo Tín Minh Châu có mức thấp hơn so với vàng miếng SJC. Cho đến ngày hôm qua (14-11) giá vàng Rồng Thăng Long của công ty này vẫn thấp hơn so với các hiệu vàng khác tới 600.000 đồng/lượng (mua vào ở mức 45,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 46,25 triệu đồng/lượng). Chị Trần Phương Nhung (quận Thanh Xuân – Hà Nội) lo lắng: “Tôi có mua 1 lượng vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, nhưng không hiểu sao mấy ngày nay giá vàng của thương hiệu này luôn thấp hơn so với các thương hiệu khác, chỉ sợ sau này khi cần tiền bán đi lại không được giá so với lúc mua”. Ông Nguyễn Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết: “Doanh nghiệp buộc phải giảm giá mua bán vàng thấp hơn giá vàng miếng SJC, bởi nguyên nhân chính là do thông tin về dự thảo luật kinh doanh vàng miếng mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhiều khách hàng cho rằng sắp tới chỉ có vàng miếng SJC là được phép lưu hành trên thị trường, khiến số lượng người bán vàng miếng các thương hiệu khác SJC lớn hơn lượng người mua. Do đó doanh nghiệp gặp phải tình trạng khan tiền mặt. Muốn có tiền mặt, chúng tôi phải bán buôn. Giá bán buôn luôn thấp hơn giá bán lẻ vì vậy chúng tôi đã có giá rất tốt cho người mua vàng để có tiền thanh toán cho người bán vàng”. Cũng theo Công ty Bảo Tín Minh Châu, từ 11-11, doanh nghiệp này tạm ngừng việc đổi ngang từ vàng Rồng Thăng Long sang loại vàng miếng khác. “Nguyên nhân của việc dừng quy đổi này một phần là do dư luận về việc thay đổi chính sách kinh doanh vàng thời gian gần đây. Điều này khiến giá vàng Rồng Thăng Long tạm thời khác giá một số loại vàng khác trên thị trường” - thông báo của công ty Bảo Tín Minh Châu lý giải.Nhà nước cần độc quyền Theo Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà NHNN vừa trình lên Chính Phủ, chỉ cho phép những doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng, chiếm từ 25% trở lên thị phần sản xuất vàng miếng trong 3 năm liên tiếp mới được gia công sản xuất vàng. Nếu quy định này được thông qua, sẽ chỉ còn một mình Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC (hiện chiếm khoảng 90% thị phần) đủ điều kiện. Nhận định về quy định này, TS. Lê Thẩm Dương - Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Về nguyên tắc vàng cũng giống như USD, phải được quản lý bằng độc quyền nhà nước. Đối với vàng có một điểm khác là phải qua một thao tác kỹ thuật (dập thành miếng), như vậy nên có một cơ quan riêng của nhà nước phụ trách vấn đề này. Nếu để doanh nghiệp độc quyền sẽ sinh ra nhiều vấn đề phức tạp”. Dự thảo Nghị định quản lý vàng cũng đưa ra những quy định nhằm thu hẹp các đối tượng được kinh doanh vàng miếng như phải đáp ứng các điều kiện có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Việc mua bán vàng miếng cũng chỉ được thực hiện ở những nơi, đơn vị được NHNN cấp phép. TS. Lê Thẩm Dương nhận định, việc thu hẹp số lượng doanh nghiệp được phép bán vàng miếng và coi đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện là cần thiết, nhưng về cơ bản vẫn phải tuân theo nguyên tắc độc quyền nhà nước. Nếu để doanh nghiệp tham gia sẽ dẫn những khả năng như làm giá, nhũng nhiễu khó quản. Cũng chính trong Dự thảo trên, NHNN khẳng định đảm bảo quyền mua bán và tích trữ vàng của người dân. Tuy nhiên, những quy định quá gắt gao này cũng khiến nhiều người lo ngại về việc khi cầu vẫn lớn mà cung bị hạn chế sẽ khiến khả năng xuất hiện thêm một thị trường vàng… “chợ đen” cũng như sinh ra nhiều vấn đề khác khó quản lý.