Du khách quốc tế hào hứng tìm hiểu nghề nuôi tằm dệt lụa truyền thống của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhằm tăng cường giao lưu văn hóa đồng thời tạo cơ hội quảng bá ngành nuôi tằm dệt lụa của Việt Nam, ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương và thương hiệu lụa DeSilk tổ chức buổi khám phá và trải nghiệm nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống của Việt Nam.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, buổi trải nghiệm nghề ươm tơ dệt lụa Việt Nam là sự kiện giao lưu, gắn kết hết sức có ý nghĩa, qua đó giúp tăng cường đoàn kết và hợp tác của ASEAN với bạn bè quốc tế.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, năm 2022, Việt Nam được công nhận là một trong 10 quốc gia có thành tích tốt nhất trên toàn cầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại sự kiện
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại sự kiện

Là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, ông Lê Hồng Vân đã tiết lộ với các vị khách nước ngoài một thông tin khá thú vị. Đó là nghề trồng dâu nuôi tằm là sinh kế của hơn 100.000 nông dân Việt Nam. Tơ tằm được xem là "nữ hoàng" trong ngành may mặc vì đặc tính bóng, mượt, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.

Cũng tại sự kiện, bà Văn Thị Hằng, nhà sáng lập thương hiệu DeSilk đã chia sẻ về dòng chảy văn hóa trong lụa, từ khi dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, cũng như sứ mệnh của lụa khi đất nước bước và thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bà Văn Thị Hằng cho hay, vốn là một người con của Hà Tây quê lụa, nay là Hà Nội, bà có niềm đam mê và tâm huyết nâng tầm giá trị của lụa Việt Nam vươn ra thế giới. Giấc mơ ấy càng thôi thúc hơn khi bà chứng kiến những giá trị, tinh hoa của lụa Việt ngày càng bị cạnh tranh, ảnh hưởng bởi các loại lụa nhập khẩu, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán tràn lan nhưng lạm dụng thương hiệu “made in Việt Nam”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Do vậy, bà Văn Thị Hằng đã cùng nhiều thợ dệt thủ công truyền thống và các nhà thiết kế quốc tế sáng tạo ra những sản phẩm lụa đặc biệt, kết hợp hài hòa, tinh xảo với nguồn nguyên liệu và kỹ thuật tinh hoa truyền thống của “thủ phủ lụa” Bảo Lộc, Lâm Đồng. Qua đó đặt mục tiêu, khát vọng đưa thương hiệu lụa De Silk đến với các thị trường danh tiếng như Thụy Sĩ, Pháp, Nhật, Ý, Anh…

Ngay sau sự kiện, phu nhân các đại sứ, những người bạn nước ngoài đã tới vườn dâu, để tận mắt quan sát quá trình nuôi tằm, thưởng thức các quả dâu vừa tới độ chín và chụp ảnh check in. Không dừng lại ở đó, các vị khách nước ngoài còn được tìm hiểu về quy trình ươm tơ và dệt lụa của người Việt.

Bà Ruchi Gupta, một du khách tham dự sự kiện bày tỏ, bà rất vui khi được nghe về cách người Việt Nam phát triển, khám phá và sáng tạo nhiều loại lụa khác nhau. Rất nhiều công sức được bỏ ra để tạo nên sản phẩm. Nhiều thế kỷ trước, lụa chỉ dành cho hoàng gia, là biểu tượng cho sự sang trọng. Bây giờ, lụa đã được sản xuất nhiều hơn trên toàn thế giới.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa này bởi bà cho rằng văn hóa có thể thúc đẩy sự phát triển của con người. Văn hóa có thể khiến xã hội trở nên hòa nhập, kiên cường và bền vững hơn. Văn hóa cũng có thể là một công cụ mạnh mẽ để truyền đạt về sự tồn tại của con người.

Một số hình ảnh trải nghiệm, tìm hiểu về nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Việt Nam:

Các đại biểu di chuyển từ hội trường tới vườn dâu

Các đại biểu di chuyển từ hội trường tới vườn dâu

Các vị khách nước ngoài hào hứng tìm hiểu về quy trình nuôi tằm

Các vị khách nước ngoài hào hứng tìm hiểu về quy trình nuôi tằm

Du khách nước ngoài trải nghiệm quy trình dệt lụa

Du khách nước ngoài trải nghiệm quy trình dệt lụa