Dư địa còn lớn, làm sao để "thúc" tài chính tiêu dùng phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hoạt động tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ.... Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập, cần sự hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng các công ty tài chính và hiểu biết tài chính của khách hàng...

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Toạ đàm: “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 25/3.

Dư địa phát triển lớn

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều bước phát triển tích cực cả về khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.

Về quy mô thị trường, 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng (TDTD) đã có bước phát triển nhảy vọt, dư nợ đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%).

Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở thì TDTD tại Việt Nam chỉ khoảng 800 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế, thấp hơn nhiều các nước lân cận. Do đó, tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn.

Trong đó, tỷ trọng dư nợ của các công ty tài chính trong tổng TDTD gia tăng đáng kể so với trước đây, từ mức dưới 1% vào năm 2011 đến tỷ trọng 16,3% năm 2020 (khoảng 130.000 tỷ đồng), còn lại là các NHTM, quỹ tín dụng và các tổ chức tài chính khác.

Các chuyên gia tam gia cuộc Tọa đàm sáng 25/3

Các chuyên gia tam gia cuộc Tọa đàm sáng 25/3

Ông Nguyễn Thành Phúc – Phó Tổng giám đốc FE CREDIT cũng cho rằng sự có mặt của các công ty tài chính tiêu dùng đã gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp – đây là nhóm khách hàng dưới “chuẩn” cho vay của các ngân hàng thương mại truyền thống.

Như tại FE CREDIT, sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã và đang cung cấp dịch vụ cho hơn 11 triệu khách hàng với gần 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ phân bổ toàn lãnh thổ Việt Nam. "Chúng tôi vẫn đang mở rộng mạng lưới hoạt động của mình để gia tăng khả năng tiếp cận nguồn tin dụng chính thống cho người dân" - ông Nguyễn Thành Phúc nói.

Theo thông tin công bố trên website của riêng 3 công ty lớn nhất thị trường là FE Credit, Home Credit và HD Saison, tổng số lượng khách hàng giao dịch đã lên đến 30 triệu tại 37.000 điểm bán.

Cần tạo điều kiện cho tài chính tiêu dùng phát triển

Mặc dù vậy, theo TS Cấn Văn Lực, thị trường TCTD còn có một số bất cập như quy mô còn nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào 1 số công ty lớn (3 công ty hàng đầu chiếm đến hơn 75% thị phần); kiến thức về tài chính - tín dụng của người dân còn hạn chế; thiếu thông tin minh bạch, dữ liệu chuẩn về khách hàng.

Bản thân các CTTC còn khó khăn về huy động vốn, thông tin đôi khi còn thiếu minh bạch, năng lực nhân viên và trình độ công nghệ không đồng đều...

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thừa nhận qua theo dõi hoạt động cho vay tiêu dùng, cần phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn.

Nguyên nhân do người vay chưa chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; Một số công ty tài chính bộc lộ một số rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu; Ngân hàng chính sách xã hội chưa bổ sung được nguồn vốn kịp thời; Người dân ở vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được tín dụng chính thức...

Góp ý một số giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, TS. Cấn Văn lực cho rằng, đối với các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Đối với các công ty tài chính, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh.

Đồng thời, chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile money…); Chú trọng quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay.

Cuối cùng, đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và xây dựng đội ngũ nhân sự để phát triển hiệu quả, bền vững là những giải pháp mà ông Lực cho rằng cần phải tập trung.