Dự báo và dự cảm

ANTĐ - Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 với mức bội chi là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP. Dù vậy vẫn tồn tại nỗi lo “bội chi kép” có thể xảy ra. Nghị quyết của Quốc hội cũng thông qua chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2013, trong đó chỉ tiêu GDP và CPI gần như bằng với kết quả thực hiện trong năm 2012. Phải chăng như vậy nền kinh tế năm tới vẫn “đứng yên” so với năm nay?

Theo dự báo, nhiều khả năng CPI năm 2012 ở mức tăng 8%, giảm quá nửa so với mức trên 18% của năm 2010. Tương tự GDP năm nay cũng chỉ đạt 5,2%. Hai chỉ số quan trọng này nói lên nền kinh tế qua một năm phấn đấu đã không đạt được như kỳ vọng.

Tuy vậy, theo quan điểm của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, mức tăng CPI vẫn khá cao so với sức chịu đựng của người dân cũng như giới doanh nghiệp. Còn mức tăng trưởng GDP cũng là phù hợp với “thể trạng” của nền kinh tế theo hướng không chạy theo tăng trưởng chiều rộng. Đương nhiên, để GDP tăng trưởng thấp như năm nay sẽ dẫn đến hệ lụy là sản xuất kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp, trì trệ, gây khó khăn trong công ăn việc làm của người lao động, tác động xấu tới an sinh xã hội. Nghịch lý là, muốn đẩy tăng trưởng GDP lên cao để tạo ra nhiều sản phẩm, tạo nhiều việc làm, nhưng nếu để mức tăng nóng như những năm trước đã dẫn đến lạm phát, hàng tồn kho ứ đọng từ sắt thép, xi măng cho đến hàng hóa tiêu dùng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã xác định mục tiêu chiến lược xuyên suốt trong 10 năm tới là kiên trì kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển mạnh về chất lượng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Thực tế đã để lại bài học sâu sắc là, nếu quá “hăng hái” đuổi theo tốc độ tăng trưởng GDP, trong khi nguồn lực kinh tế có giới hạn, đặc biệt là “sức khỏe” của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty không kham nổi sẽ “lôi kéo” cả chỉ số CPI tăng cao, hậu quả nhãn tiền nợ xấu tăng lên, doanh nghiệp nợ ngân hàng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau, đời sống đại bộ phận nhân dân khó khăn, sức tiêu thụ giảm mạnh. Cái giá bây giờ phải trả chính là hậu quả của nhiều năm trước tích tụ, dồn nén nên nay phải chấp nhận áp lực khi tăng trưởng GDP giảm thì mới đảm bảo theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khi thảo luận về các chỉ tiêu cơ bản phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh rằng, thông qua chỉ tiêu không có nghĩa là áp đặt một cách cứng nhắc mà để đưa chỉ tiêu đó trở thành hiện thực. Đặt ra bất kỳ chỉ tiêu nào đều đã được cân nhắc, thận trọng để đảm bảo khả năng thực thi. Trong trường hợp khả dĩ, không có những “cú sốc” bất ổn của nền kinh tế thế giới, trong nước có thể kiểm soát lạm phát ở mức dưới 8%, Chính phủ có thể tiếp tục đưa ra các giải pháp để kéo giảm CPI xuống thấp hơn nữa.

Vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo về sự “ấm” lên của nền kinh tế năm 2013. Song, có thể dự cảm sự cải thiện đáng kể về cung cầu tín dụng, tổng cầu của nền kinh tế, hàng tồn kho giảm mạnh. Đặc biệt, chỉ số hàng tồn kho giảm rõ rệt từ tháng 3 tới nay, chứng tỏ sức mua của thị trường tăng dần và doanh nghiệp đang hồi phục dần.