Dự án tên lửa liên lục địa Rubezh của Nga "chết yểu"

ANTD.VN - Theo hãng tin Tass, hệ thống tên lửa siêu thanh phóng từ mặt đất Avangard sẽ nằm trong kế hoạch vũ khí quốc gia Nga từ nay cho tới năm 2027 thay cho chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Rubezh.

“Ban đầu cả 2 chương trình Avangard và Rubezh đều nằm trong kế hoạch phát triển vũ khí quốc gia nhưng sau đó, các vấn đề về ngân sách đã khiến cả 2 chương trình này không tồn tại song song. Avangard đã được quyết định nằm trong phiên bản cuối cùng của kế hoạch do nó cần thiết cho việc đảm bảo an ninh quốc gia”, hãng tin Tass dẫn nguồn tin quốc phòng Nga cho hay.

RS-26 Rubezh là dự án phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên các xe chở phóng lưu động với động cơ nhiên liệu rắn cỡ nhỏ nhưng có độ chính xác lớn hơn.

Vào hôm 14-12-2012, cựu Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev cho biết, Rubezh sẽ thay thế các tên lửa Topol-M và Yars.

Tên lửa Rubezh tạm ngừng phát triển vì lí do ngân sách

Tuy nhiên, đến tháng 3-2015, RS-26 Rubezh được xác định là phiên bản nhỏ của ICBM RS-24 Yars với tầm bắn ngắn hơn, giống như tên lửa SS-20 Saber là phiên bản nhỏ của SS-16 Sinner trong quá khứ.

Theo cố vấn Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga, ông Victor Esin, Rubezh còn có tên gọi khác là Yars-M.

Truyền thông Mỹ phán đoán Rubezh có thể có tầm bắn ngăn hơn 5.500km và coi là tên lửa đạn đạo tầm trung thay vì ICBM. Hôm 20-2, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc điều tra xem Rubezh có phải là loại tên lửa vi phạm hiệp ước các lực lượng hat nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước về cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) hay không.

Rubezh có thể gây nguy hiểm cho các nước châu Âu và đặt hầu hết các lực lượng NATO đóng quân tại đây vào trong tầm bắn. Theo nhiều chuyên gia, đây là loại vũ khí được Nga phát triển dành riêng cho việc răn đe các hoạt động của quân đội phương Tây gần biên giới nước này.