Doping và nước mắt của những vận động viên trong sạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vấn nạn doping không chỉ khiến sự nghiệp vận động viên lao dốc mà còn tạo ra ẩn ức, thiệt thòi cho những "nạn nhân gián tiếp".

Vụ việc một số vận động viên đoàn chủ nhà Việt Nam dương tính với doping tại SEA Games 31, trong đó có cả vận động viên giành huy chương Vàng, huy chương Bạc đại hội thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông khu vực.

Bởi, doping không chỉ là vấn nạn thể thao toàn cầu mà còn tác động trực tiếp đến kết quả các cuộc thi, số lượng huy chương các đoàn, vinh quang và quyền lợi của vận động viên nói riêng.

Nếu bị kết luận sử dụng doping, vận động viên giành huy chương sẽ bị huỷ thành tích thi đấu. Cùng với đó, các vận động viên xếp kế tiếp được đôn lên một bậc huy chương. Điều này ít nhiều mang lại sự công bằng cho cuộc thi đấu thể thao, song dường như chỉ còn mang ý nghĩa an ủi với vận động viên được đôn thành tích.

Trần Lê Quốc Toàn tủi thân nhận lại tấm huy chương Đồng Olympic sau 9 năm

Trần Lê Quốc Toàn tủi thân nhận lại tấm huy chương Đồng Olympic sau 9 năm

Lịch sử thể thao Việt Nam từng ghi nhận nhiều "nạn nhân gián tiếp" của doping. Điển hình là Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) và Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh).

Quốc Toàn xếp hạng tư chung cuộc hạng 56kg nam môn cử tạ Olympic London 2012. Chín năm sau, Uỷ ban Olympic quốc tế ra phát hiện người giành huy chương Đồng là Hristov (Azerbaijan) có sử dụng doping nên đã huỷ kết quả thi đấu của vận động viên này.

Quốc Toàn được đôn lên hạng 3 và nhận lại tấm huy chương Đồng của Hristov tại lễ xuất quân đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020. Tấm huy chương đã nhuốm màu thời gian, vẫn lấp lánh, trong trọng nhưng mang lại sự nuối tiếc cho người lẽ ra phải được nhận nó từ 9 năm trước.

Giá như không phải "nạn nhân gián tiếp" của doping, sự nghiệp của Quốc Toàn có lẽ đã theo chiều hướng tốt hơn, khi đi kèm huy chương Olympic luôn là những khoản thưởng hậu hĩnh, cơ chế đãi ngộ, tập luyện đặc biệt cho anh. Nhưng lúc này, tất cả đều chỉ được nhắc đến sau từ "giá như".

Nguyễn Thị Thanh Phúc khóc nức nở khi mất oan huy chương Vàng vào tay Saw Nar Lar - người thi đấu phạm luật và sau đó được phát hiện có sử dụng doping

Nguyễn Thị Thanh Phúc khóc nức nở khi mất oan huy chương Vàng vào tay Saw Nar Lar - người thi đấu phạm luật và sau đó được phát hiện có sử dụng doping

Tương tự là trường hợp của Thanh Phúc tại SEA Games 2013. "Nữ hoàng đi bộ" Đông Nam Á bật khóc khi bị vận động viên chủ nhà Myanmar - Saw Nar Lar ngang nhiên "chạy" để cán đích đầu tiên nội dung đi bộ 20km nữ.

Hai năm sau, trước thềm SEA Games 2015, Thanh Phúc một lần nữa bật khóc khi Liên đoàn thể thao Đông Nam Á thông báo danh sách vận động viên sử dụng doping tại SEA Games 2013, trong đó có Saw Nar Lar. Thanh Phúc được trao lại tấm huy chương Vàng lẽ ra đã thuộc về mình từ 2 năm trước.

Nỗi buồn của Quốc Toàn hay giọt nước mắt của Thanh Phúc khi nhận lại tấm huy chương muộn màng khiến những người chứng kiến không phải xót xa.