Dòng vốn chảy vòng vèo

ANTĐ - Từ đầu năm tới nay, nhiều doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp Hà Nội nói riêng đều rơi vào tình trạng “hụt hơi” do chi phí đầu vào tăng cao, sản phẩm làm ra tồn đọng, nhiều doanh nghiệp “đói” vốn trầm trọng. Có tới hơn 5.300 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 87% so với bình quân quý năm 2011. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập là 3.256, chỉ tăng 3% so với cuối năm 2011.

Hội nghị bàn về giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội đã đưa ra những con số “kém vui” về tình hình sản xuất kinh doanh. Có tới 50% tổng số doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, 21% doanh nghiệp có mức lương bình quân thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, 26% doanh nghiệp không có lãi hay lỗ kéo dài. Một số doanh nghiệp chịu sức ép rất lớn về tuyển dụng lao động, tiền lương, nợ đọng bảo hiểm, một số doanh nghiệp bên bờ phá sản.

Trong 8 tháng năm nay, các doanh nghiệp lao đao vì lãi suất ngân hàng cho vay cao, tiếp cận nguồn vốn khó khăn, giá cả đầu vào nguyên vật liệu liên tục tăng. Tổng giám đốc một công ty đầu tư - phát triển thẳng thắn nói, một nguyên nhân lớn khiến doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn là do các văn bản chồng chéo, bất cập. Muốn vay được tiền ở Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội phải cần rất nhiều giấy tờ, phải thế chấp tài sản, thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê. Nhiều doanh nghiệp nhận định, trong thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp phải hợp sức với nhau để có thể tham gia các dự án lớn của Nhà nước và nhất thiết phải xây dựng doanh nghiệp “đầu tàu” mới đủ tiềm lực tài chính.

Lãnh đạo Hà Nội cần có chính sách cụ thể, không chỉ dừng lại “trên giấy” để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nguồn nhân lực, tránh tình trạng doanh nghiệp đào tạo lao động làm thạo việc thì lại bị công ty nước ngoài “hớt tay trên”. Trên thực tế, để giải bài toán vốn, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp. Mặc dù dòng vốn đang “chảy” vào nền kinh tế, nhưng nếu so với tăng trưởng của số dư tiền gửi ngân hàng, theo các chuyên gia, dòng tiền vẫn chưa thực sự đổ vào doanh nghiệp mà đang tiếp tục “chảy” lòng vòng trong các ngân hàng.

Nguyên nhân chính là gì? Dù muốn đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế, song do hàng tồn kho và nợ xấu của doanh nghiệp chưa có tín hiệu tốt, vì thế để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro tín dụng, các ngân hàng đã thắt chặt tiêu chí cho vay để phân loại khách hàng. Một chuyên gia kinh tế chỉ ra cái vòng luẩn quẩn của dòng vốn vay: Khi doanh nghiệp cần vay thì lại “dính” nợ xấu nên ngân hàng không thể cho vay. Còn doanh nghiệp vướng nợ xấu thì lại không muốn vay để mở rộng sản xuất vì sức mua của thị trường vẫn èo uột.

Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, để khơi thông dòng vốn chảy vòng vèo giữa các ngân hàng, xu hướng thoái nợ nhằm giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng đang được nhóm doanh nghiệp có tiềm lực và sức mạnh tài chính áp dụng. Vì thế, ngân hàng càng “đói” khách hơn và càng phải ráo riết chạy đua tìm khách hàng tốt. Khơi thông dòng vốn chảy đúng hướng, đúng chỗ không thể thiếu bàn tay điều hành vĩ mô.