Đóng tàu thép vươn khơi: Dư nợ gần 10.000 tỷ đồng, kiến nghị xem xét lại thời gian trả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 còn 9.520 tỷ đồng của 1.132 tàu, trong đó nợ xấu là 6.397 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,2%.

Nợ xấu lên đến 67%

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị định 67/2014 (về một số chính sách phát triển thủy sản) mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau 7 năm triển khai thực hiện, các chính sách được Chính phủ quy định tại Nghị định 67 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân.

Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%) so với năm 2014; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.

Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ đã hỗ trợ hàng nghìn ngư dân có vốn đóng tàu vỏ thép, vươn khơi bám biển

Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ đã hỗ trợ hàng nghìn ngư dân có vốn đóng tàu vỏ thép, vươn khơi bám biển

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đội tàu cá đánh bắt xa bờ từ 22.000 chiếc (năm 2014) đã tăng lên trên 31.000 tàu (năm 2021) với công suất lớn, trang bị hiện đại về kỹ thuật công nghệ.

Trong số hơn 9.000 tàu cá xa bờ tăng thêm có 1.070 tàu cá đóng mới và 146 tàu cá nâng cấp thực hiện theo chính sách tại Nghị định 67, chiếm 13,5%.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 67 cũng còn một số tồn tại, nhiều tàu hoạt động không hiệu quả.

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ còn 9.520 tỷ đồng của 1.132 tàu, trong đó nợ xấu là 6.397 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,2%.

Cơ cấu lại thời gian trả, giữ nguyên nhóm nợ

Trong khi đó, chính sách đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho thuyền viên đi trên tàu vỏ thép, vật liệu mới hoặc ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm còn rất thấp, mới đạt khoảng 10% so với yêu cầu thực tế.

Một số địa phương quá trình tham gia thực hiện còn thụ động, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh, chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới còn chưa đúng, chưa bám sát thực tế.

Nhiều chủ tàu không thường xuyên duy tu, bảo dưỡng tàu cá, đặc biệt tàu vỏ thép theo quy trình, dẫn đến một số tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, hoạt động của tàu.

Một số chủ tàu không đủ năng lực để quản lý, vận hành, khai thác tàu mới đóng quy mô lớn, hiện đại. Vì vậy, khi tàu đóng xong đi vào hoạt động đạt hiệu quả thấp.

Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho người dân và các ngân hàng cho vay, đảm bảo hiệu quả các chính sách ban hành, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm cho ngư dân theo quy định tại Nghị định;

Không thực hiện việc chỉ định các doanh nghiệp bán bảo hiểm cho tàu cá, thuyền viên tham gia thực hiện chính sách nhằm tạo thuận lợi cho ngư dân lựa chọn doanh nghiệp để mua bảo hiểm và được hưởng chính sách hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.

Đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế chuyển nhượng tàu cá nhằm tháo gỡ các khoản vay nợ xấu.