Đông Nam Á đối mặt với đợt nắng nóng thế kỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong một báo cáo gần đây từ World Weather Attribution (WWA), một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết đợt nắng nóng xảy ra hồi tháng 4 vừa rồi ở Đông Nam Á là sự kiện 200 năm mới có một lần và “hầu như không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu.

Mức nhiệt chạm ngưỡng cao chưa từng có

Tháng 4 và tháng 5 thường là thời kỳ nóng nhất trong năm ở Đông Nam Á, khi nhiệt độ tăng lên trước khi mùa mưa tới. Nhưng năm nay, mức nhiệt chạm ngưỡng cao chưa từng có ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, trong đó có những điểm du lịch nổi tiếng như Việt Nam hay Thái Lan.

Ngoài WWA, dữ liệu của Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus cho hay, từ đầu tháng 4 tới cuối tháng 5, nhiệt độ ở 6 quốc gia Đông Nam Á đã gần mức 40 độ C trở lên mỗi ngày. Đây là ngưỡng nhiệt được coi là nguy hiểm, đặc biệt với người có bệnh nền hoặc người chưa trải qua nắng nóng khắc nghiệt. Nhà khí hậu học và lịch sử thời tiết Maximiliano Herrera cho rằng, “đây là đợt nắng nóng kinh khủng nhất” ở khu vực và nó tiếp tục kéo dài sang tháng 6.

Trẻ em tắm giải nhiệt trong bể bơi bơm hơi ở Thủ đô Manila, Philippines

Trẻ em tắm giải nhiệt trong bể bơi bơm hơi ở Thủ đô Manila, Philippines

Ở Thái Lan, 20 ngày trong tháng 4 và ít nhất 10 ngày trong tháng 5 có nhiệt độ gần như trên 46 độ C. Điều này được coi là mối đe dọa tính mạng đối với bất kỳ ai, kể cả những người khỏe mạnh đã quen với nhiệt độ cực ẩm. Trong suốt tháng 4 và tháng 5, Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia cũng đều có vài ngày có khả năng gây ra tình trạng nắng nóng cực cao. Myanmar có 12 ngày như vậy. Nhiệt độ ở Lào duy trì mức 43,5 độ C liên tục trong hai ngày tháng 5, còn kỷ lục nắng nóng ở Việt Nam cũng bị phá vỡ hồi đầu tháng 5 với mức nhiệt 44,2 độ C tại Tương Dương, Nghệ An.

Cái nóng thiêu đốt ở Đông Nam Á còn khó chịu và nguy hiểm hơn bởi độ ẩm cao. Ông Mariam Zachariah, thành viên của WWA giải thích: “Khi bầu khí quyển trở nên ấm hơn, khả năng giữ ẩm của nó trở nên cao hơn và do đó khả năng xảy ra các đợt nóng ẩm cũng tăng lên”. Các đợt nóng ẩm được coi nguy hiểm hơn nóng khô bởi nó khiến cơ thể khó hạ nhiệt, có thể đe dọa tính mạng. Ông Zachariah cảnh báo: “Khi nắng nóng, cơ thể liên tục đổ mồ hôi, nhưng chúng không thể bay hơi để làm mát do độ ẩm cao, dẫn tới tình trạng mất nước nghiêm trọng. Trong trường hợp cấp tính có thể dẫn tới sốc nhiệt và tử vong”.

Nắng nóng cực đoan kéo dài đã khiến việc đảm bảo nguồn cung ứng điện năng tại các nước Đông Nam Á đối mặt thách thức. Tại Thái Lan, nhiệt độ cao khiến nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng, đặt hệ thống điện ở mức báo động. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan (ERC) cho biết, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 35.000 MW chỉ trong một ngày. Đây là mức tiêu thụ điện kỷ lục trong mùa nắng nóng của nước này và cao hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số địa phương tại Thái Lan đã xảy ra các sự cố điện lưới diện rộng khi chịu quá tải cục bộ.

Trong khi đó, nhu cầu dùng nước tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu nước triền miên ở Campuchia. Bộ Tài nguyên nước và khí tượng Campuchia cảnh báo thời tiết nóng bức sẽ tiếp tục kéo dài và sẽ có ít mưa hơn so với năm 2022, do thời tiết đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Bộ trên cho biết thêm, lượng mưa ở Campuchia năm nay dự kiến sẽ “thấp hơn từ 20 - 30% so với mức trung bình trong nhiều năm”. Điều này có nghĩa, tình trạng hạn hán sẽ quay trở lại.

Tại Malaysia, chính phủ nước này đã đưa ra một số biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng do nắng nóng kéo dài bao gồm gieo mây, triển khai 101 giếng khoan để phục vụ cho các khu vực khó tiếp cận nguồn nước, tạm thời dừng các hoạt động ngoài trời tại trường học, cung cấp nước uống miễn phí.

Hệ quả tồi tệ từ biến đổi khí hậu

Đợt nắng nóng thế kỷ vừa rồi ở Đông Nam Á là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Nhà khoa học khí hậu cấp cao Friedrike Otto tại Đại học Hoàng gia London và là một trong những tác giả của nghiên cứu WWA cho biết: “Chúng tôi đã không ít lần chứng kiến biến đổi khí hậu làm tăng đáng kể tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng, một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhất”. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu làm tăng ít nhất 30 lần khả năng xảy ra những đợt nắng nóng bất thường như vậy. Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu ấm hơn tới 2 độ C so với cuối những năm 1800, thì đợt nắng nóng như tháng 4-2023 có thể xảy ra cứ mỗi 1-2 năm một lần ở Ấn Độ và Bangladesh. Hiện tại, thế giới đang ghi nhận mức nhiệt ấm hơn khoảng 1,1 đến 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Để làm chậm đà ấm lên toàn cầu, các nhà khoa học cho rằng giảm lượng khí thải carbon dioxide là giải pháp duy nhất. Ông Chaya Vaddhanaphuti, Giáo sư tại Đại học Chiang Mai, Thái Lan, nêu quan điểm: “Các đợt nắng nóng sẽ trở nên phổ biến hơn, nhiệt độ sẽ tăng cao hơn và số ngày nắng nóng sẽ tăng lên và thường xuyên hơn nếu chúng ta tiếp tục “bơm” khí nhà kính vào khí quyển”. Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Climate Change hồi trung tuần tháng 5 chỉ rõ, thế giới có thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C nếu mọi quốc gia đáp ứng được tất cả các cam kết đưa ra về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bao gồm cả cam kết trung và dài hạn.

Nếu không có cách tiếp cận toàn diện trên phạm vi toàn cầu để nhanh chóng giảm tình trạng phát thải khiến hành tinh nóng lên, cũng như giải quyết các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan đối với cá nhân, cộng đồng và môi trường, tổn thất kinh tế và sức khỏe do nắng nóng gây ra sẽ nghiêm trọng hơn. Nếu khí nhà kính tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay, Thái Lan hay Myanmar có thể ghi nhận thêm 30 ca tử vong trên 1 triệu người do nắng nóng trong hai thập kỷ tới. Đối với Myanmar, con số đó sẽ lần lượt là 30 và 520 người và đối với Campuchia là 40 và 270.

Trong khi chờ có các biện pháp tổng thể trên toàn cầu, các nước ASEAN đang chủ động đầu tư vào việc xây dựng khả năng phục hồi và chống chịu khí hậu. Các biện pháp nông nghiệp mới không sử dụng nhiều nước, như tưới nhỏ giọt, được áp dụng; nông dân được khuyến khích chuyển đổi sang các giống cây trồng chịu được nắng nóng; việc thực thi Luật chống đốt nương làm rẫy được tăng cường giám sát.

Kế hoạch thực hiện các giải pháp làm mát xanh cũng cần được đẩy mạnh trên khắp Đông Nam Á. Ở những khu vực bị đô thị hóa, nhiệt bị giữ lại bởi bê tông và nhựa đường trong các tòa nhà và đường dá vào ban ngày, sau đó được giải phóng vào ban đêm, dẫn đến hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Để đối phó, có thể trồng cây xanh trên đường phố, trồng rừng đô thị và mô hình mái nhà xanh. Những giải pháp này vừa không tốn kém, vừa bền vững và hoàn toàn có thể được thực hiện bởi bất cứ quốc gia nào. Ở giải pháp đầu tư cao hơn, Singapore đã ban hành “Kế hoạch Xanh Singapore 2030” với các giải pháp làm mát bền vững, chẳng hạn như làm mát khu vực phân tán ở vùng Tampines của nước này. Trong hệ thống tiết kiệm năng lượng này, nước lạnh được tạo ra trong một nhà máy làm mát trung tâm, sau đó được dẫn đến các tòa nhà khác nhau thông qua một mạng lưới ngầm để cung cấp điều hòa không khí.