Đóng góp tích cực của Việt Nam nhằm giải quyết các thách thức của ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa diễn ra tại Campuchia trong các ngày 16 và 17-2 đã chứng kiến những đóng góp tích cực, những gợi ý thấu đáo của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực cũng như đối phó với các thách thức đang nổi lên.

ASEAN đặt mục tiêu tăng trưởng 5,1% trong năm 2022

Đây là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Tổ chức thành công hoạt động này vừa thể hiện quyết tâm của Campuchia - nước Chủ tịch ASEAN 2022, vừa phản ánh nguyện vọng chung của các nước nối lại sự liên hệ gần gũi giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN để duy trì trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Dưới chủ đề “ASEAN hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, hội nghị đã thảo luận các vấn đề trên cả 3 trụ cột của cộng đồng ASEAN là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Trong đó, các vấn đề nổi lên là nỗ lực ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025, triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 (Brunei, tháng 11-2021), đánh giá quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề quốc tế và khu vực.

2 năm đại dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra nhiều tác động tiêu cực. Chính vì thế, phục hồi bền vững sau đại dịch là chủ đề thu hút nhiều quan tâm và ưu tiên tại hội nghị lần này. Để có thể sớm khôi phục sự kết nối, phục hồi giao thương, tạo sự biến đổi về chất trong hợp tác kinh tế, hội nghị đã nhất trí sẽ kích hoạt các thỏa thuận và những kế hoạch đã được thông qua, tạo tiền đề cho nắm bắt cơ hội, phục hồi toàn diện, hướng tới tương lai của toàn cộng đồng.

Khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng sau khi thí điểm mở lại các đường bay quốc tế

Khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng sau khi thí điểm mở lại các đường bay quốc tế

Đáng chú ý, tại hội nghị lần này, các nước ASEAN đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là phấn đấu tăng trưởng toàn khu vực trong năm 2022 là 5,1%. Muốn vậy, ASEAN sẽ đẩy mạnh Kế hoạch triển khai khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF), Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF), cũng như thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực hợp tác như kinh tế số, thương mại điện tử, kết nối số, khoa học và công nghệ, khởi nghiệp cho phụ nữ và thanh niên, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, nâng cao nhận diện và bản sắc ASEAN…

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng thống nhất cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dòng hành động còn lại trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, yêu cầu Nhóm đặc trách cao cấp xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025 sớm đi vào hoạt động; nhấn mạnh ASEAN cần nâng cao năng lực tự cường khu vực trước các thách thức truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, trong đó có việc tiếp tục ứng phó và phục hồi khu vực sau đại dịch Covid-19. Đến nay, ASEAN đã tiếp nhận khoảng 30 triệu USD cho Quỹ ứng phó Covid-19, một phần dùng để mua vaccine cho các nước thành viên; đồng thời tiếp tục huy động đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN (RRMS).

Trong bối cảnh địa chính trị quốc tế và khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhất trí cần duy trì đoàn kết và thống nhất ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, đề cao chủ nghĩa đa phương và nâng cao hiệu quả của các cơ chế do ASEAN chủ trì và dẫn dắt, đóng góp hiệu quả thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực.

Việt Nam với sáng kiến về hộ chiếu vaccine và Biển Đông

Tham gia Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Phnom Penh, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã đưa ra những đóng góp quan trọng. Nội dung đóng góp của Việt Nam rất phong phú, tập trung củng cố đoàn kết ASEAN, thúc đẩy tiến triển trong xây dựng Cộng đồng, phục hồi kinh tế, kiểm soát Covid-19; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN. Đoàn Việt Nam cũng đưa ra những gợi ý thấu đáo cho các vấn đề phức tạp nổi lên, như tình hình Biển Đông, Myanmar và cạnh tranh nước lớn.

Liên quan đến các sáng kiến ứng phó Covid-19, đoàn Việt Nam đã đề xuất triển khai công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine khu vực để sớm nối lại các hoạt động đi lại và tạo điều kiện phục hồi toàn diện trong khu vực. Sáng kiến này phù hợp với kế hoạch của Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, bằng cả đường hàng không, đường bộ, đường biển từ ngày 15-3 tới. Việt Nam hiện đang công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là hộ chiếu vaccine của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 16-2, đã có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philipinnes, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, từ khi thí điểm mở lại các đường bay quốc tế (tháng 1-2022), lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103 nghìn khách trong tháng 1; đến hết ngày 14-2 là 153 nghìn khách. Hiện, các hãng hàng không trong nước đã khai thác các chặng bay quốc tế đến Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Đức, Anh, Pháp, Nga và Mỹ. Một số hãng hàng không nước ngoài như Japan Airlines, All Nippon Airways (Nhật Bản), Korean Air, Asiana Airlines (Hàn Quốc), China Airlines, Eva Air, Starlux (Đài Loan), China Southern Airlines, Xiamen Airlines (Trung Quốc)… cũng đã khai thác các chuyến bay đến Việt Nam.

Với việc gỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ và không thường lệ quốc tế, dự kiến lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới và dần khôi phục trở lại như giai đoạn trước dịch Covid-19 là từ 40 - 50 nghìn khách/tháng.

Liên quan đến Biển Đông, vấn đề mà Việt Nam và các nước rất quan tâm bởi những diễn biến phức tạp và các sự cố không mong muốn, đoàn Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nhằm duy trì Biển Đông là vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác; tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tại hội nghị lần này, các nước ASEAN đã nhất trí sẽ xây dựng Tuyên bố chung kỷ niệm 20 năm Tuyên bố DOC, qua đó khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác, nơi tàu bè qua lại tự do và an toàn, các nước đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.