Động đất mạnh chưa từng thấy, Bắc Trà My chao đảo

ANTĐ - Trung tâm Dự báo động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, vào hồi 14h24 (giờ Hà Nội), ngày 15-11, một trận động đất có cường độ 4,7 độ richter xảy ra tại tọa độ 15,35 độ vĩ Bắc, 108,10 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 6km. Động đất xảy ra trong khu vực địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo đánh giá động đất gây nên rung động trên cấp VI (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2.

Mỗi khi động đất xảy ra, người dân Bắc Trà My lại nháo nhào

Không thể lường trước

Theo ghi nhận, đây là trận động đất có cường độ lớn nhất xảy ra ở khu vực này từ trước đến nay. Vào thời điểm động đất xảy ra, nhiều xã trên địa bàn huyện Bắc Trà My đang họp phải bỏ dở. Theo Bí thư xã Trà Sơn (huyện Bắc Trà My) – ông Lê Đình Trung – đây là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay mà người dân cảm nhận được. “Tôi đang họp trong phòng với các cán bộ khác về đánh giá công tác cán bộ cuối năm thì ly nước trên bàn bị đổ, mọi người hoảng loạn chạy hết ra sân”, ông Trung kể lại. Không những người dân ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 cảm nhận đất rung lắc mà nhiều người dân ở các huyện xa Sông Tranh 2 hàng trăm kilomet như Hiệp Đức, Nông Sơn hoặc TP Tam Kỳ cũng nhận thấy mặt đất rung chuyển. Huyện Bắc Trà My chiều 15-11 đang họp vẫn phải giải tán để cán bộ của huyện chia nhau về các xã trong vùng động đất kiểm tra tình hình và trấn an nhân dân.

Trao đổi về trận động đất diễn ra chiều qua tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, PGS.TS Cao Đình Triều, Hội Khoa học, kỹ thuật địa vật lý Việt Nam nhận định, trận động đất này có cường độ lớn, trong khi độ sâu chấn tiêu chỉ có 6km, tức khá nông gây nên những rung chấn mạnh trên mặt đất. “Động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2 rất khó dự báo, chỉ có thể đưa ra mức tối đa, còn nó xảy ra vào thời điểm nào thì chịu”. Cũng theo PGS. Cao Đình Triều, hoạt động động đất ở khu vực này cực kỳ phức tạp, không thể lường trước được sẽ diễn ra như thế nào. “Cả trận động đất 4,6 độ richter diễn ra vào tháng 10 vừa qua lẫn trận động đất 4,7 độ richter chiều 15-11 đều nằm trên đới đứt gãy Trà My, cách thủy điện Sông Tranh 2 không xa”, ông Triều phân tích. 

Các nhà khoa học lại “bơi”

Trong khi vài ngày trước đó, tại hội thảo về an toàn thủy điện Sông Tranh 2, Hội Địa chất Việt Nam vẫn kết luận, nền đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn, ổn định. Động đất kích thích đã không ảnh hưởng tới sự ổn định nền đập. Cũng tại hội thảo này, PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trưởng bộ môn Địa chất công trình, trường ĐH Mỏ địa chất nêu quan điểm, trận động đất tại  thủy điện Sông Tranh 2 vào ngày 22-10, lúc 20h42, cường độ 4,6 độ richter có thể đã đạt đỉnh, động đất kích thích tại đây dần đi vào ổn định. “Việc nâng mực nước hồ đến cao độ mực nước thiết kế thêm 35m nữa sẽ không làm gia tăng nhiều cường độ động đất kích thích. Sau khi đạt đỉnh, theo quy luật chung, cường độ động đất kích thích sẽ giảm và tần suất xuất hiện sẽ thưa dần và gần như đạt trạng thái bình ổn”, ông Thắng bày tỏ. Trong khi đó, nhà địa chất học Phan Trường Thị cho rằng, có sai lầm rất nghiêm trọng trong việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, kỹ thuật xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 có nhiều khuyết điểm rất nghiêm trọng. 

Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước từ 29-11-2010, tháng 2-2011 đạt cao trình 158m. Từ 13-10-2011 đến 3-11-2011, mực nước hồ được nâng đến cao trình mực nước thiết kế bình thường là 175m và được giữ liên tục trong 3 tháng, sau đó hạ dần đến cao trình mực nước chết là 140m vào ngày 22-6-2012. Rung chấn đầu tiên với cường độ thấp quan sát được ngày 24-12-2011, tức là sau gần 1 tháng tích nước. Sau đó, liên tục các trận động đất có cường độ lớn hơn đã xảy ra trong thời gian qua. Đến nay, dù chưa biết quan điểm, nhận định của nhà khoa học nào sẽ đúng, nhưng có một thực tế, người dân Bắc Trà My cũng như khu vực lân cận đang phải sống trong cảnh hoang mang, lo lắng đến cực độ mỗi khi có động đất xảy ra. 

Thủy điện Sông Tranh 2: Bộ TN-MT vô can!?


Trả lời câu hỏi của ĐBQH Trần Xuân Vinh (đoàn Quảng Nam) về “Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) công trình thủy điện Sông Tranh 2 không đề cập đến vấn đề động đất kích thích khi công trình tích nước, song đã được Bộ TN-MT phê duyệt”, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, ở thời điểm lập dự án đầu tư, nội dung báo cáo ĐTM của dự án thủy điện Sông Tranh 2 được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các quy định liên quan. Về vấn đề sự cố, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường là chỉ “dự báo rủi ro về sự cố”, không phải đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích là một lĩnh vực khoa học chuyên sâu, do các cơ quan khoa học chuyên ngành nghiên cứu thực hiện. Vấn đề động đất kích thích và liên quan đến nó là an toàn công trình trước hết phải là mối quan tâm của chủ dự án. Ngoài ra, vấn đề này còn được xem xét, thẩm duyệt bởi các cơ quan có chức năng thẩm tra, thẩm định báo cáo đầu tư, thiết kế xây dựng. Bộ trưởng chốt lại: “Đánh giá động đất kích thích không phải nhiệm vụ của đánh giá tác động môi trường và cũng không phải là nhiệm vụ của việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường”.