Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

(ANTĐ) - Người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì phải đảm bảo những thủ tục nào? Những trường hợp nào thì người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động?

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

(ANTĐ) - Người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì phải đảm bảo những thủ tục nào? Những trường hợp nào thì người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động?

Nguyễn Anh Tuấn (Kim Mã - HN)

Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động phải thực hiện các thủ tục sau:

1. Phải có lý do chấm dứt hợp đồng được quy định tại khoản 1 Điều 38 và không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp quy định tại Điều 39 - Bộ luật Lao động.

2. Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp thuộc điểm a, b và c khoản 1 Điều 38, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở. Trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Đảm bảo thời hạn báo trước: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp sa thải theo Điều 85, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và ít nhất 3 ngày đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Những trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động quy định tại Điều 39 - Luật Lao động bao gồm:

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quy định của thầy thuốc trừ trường hợp quy định tại  điểm c, d khoản 1 Điều 38 - Luật Lao động (c- Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 6 tháng liền, người lao động làm việc theo HĐLĐ dưới 1 năm ốm đau đã điều trị  nửa thời hạn HĐLĐ mà khả năng lao động chưa hồi phục… d- Do thiên tai, hỏa hoạn những lý do bất khả kháng mà người sử dụng đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc).

2. Người lao động nghỉ hàng năm nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng cho phép.

3. Người lao động là nữ trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 111 - Luật Lao động (người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động).

Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương  (VPLS Phúc Thọ - 23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, HN)