Đòn ngầm xuyên quốc gia

ANTĐ - Vụ nghe lén của Mỹ còn chưa lắng xuống thì tờ Thời báo New York lại tiếp tục tiết lộ việc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) dính líu tới hàng trăm vụ tấn công mạng nhằm vào các trang web của chính phủ  các nước Brazil, Iran, Pakistan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tấn công mạng gây thiệt hại 1.000 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới

Dẫn các nguồn hồ sơ tòa án và nội dung phỏng vấn các đối tượng liên quan, tờ Thời báo New York cho biết một hacker có tiếng thuộc nhóm tin tặc Anonymous (Ẩn danh) là X. Monsegur sau khi bị FBI bắt và “tẩy não” đã trở thành “tay trong” của FBI. Đứng đầu một nhóm tin tặc, X. Monsegur chuyên đánh cắp thông tin của các cơ quan chính phủ cũng như công ty nước ngoài, trong đó có hồ sơ của các ngân hàng và các thông tin đăng nhập như tên tài khoản và mật khẩu... Các thông tin này sau đó được đăng tải lên một máy chủ do FBI giám sát.

Một con số thống kê cho thấy trong năm 2013, trên toàn cầu đã xảy ra 1,7 tỷ vụ tấn công trực tuyến, khiến nhiều trang mạng tê liệt. Để thực hiện các cuộc tấn công này, tội phạm mạng đã sử dụng 10,6 triệu máy chủ đơn nhất, nhiều hơn 4 triệu máy so với năm 2012. Từ góc độ kinh tế, những vụ ăn cắp dữ liệu và tấn công mạng đã khiến các công ty trên toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD/năm, trong đó bao gồm các mất mát tài sản trí tuệ và chi phí để khắc phục hệ thống.  

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tin tặc còn nhúng tay vào rất nhiều dữ liệu. Một nghiên cứu của Team Cymru cho biết tin tặc đã đánh cắp được khoảng 1TB dữ liệu mỗi ngày từ các chính phủ, doanh nghiệp, quân đội, và các cơ sở chuyên môn. Theo Team Cymru, tin tặc hiện tại hoạt động rất tinh vi, thực hiện những chiến dịch quy mô lớn và rất có thể phần lớn trong số đó được hỗ trợ từ các chính phủ.

Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi tấn công mạng đã trở thành chủ đề tranh cãi trên bàn hội đàm, thậm chí gây căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia. Chẳng hạn tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ B. Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình hồi tháng 6-2013, phần lớn nội dung tập trung vào vấn đề tình báo mạng. Trong khi Washington cáo buộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm vào Mỹ, thì Bắc Kinh cũng đưa ra bằng chứng về việc Mỹ theo dõi các quan chức Trung Quốc và Công ty viễn thông Huawei của nước này.

Trong bảng xếp hạng 10 quốc gia phát tán phần mềm độc hại hàng đầu năm 2012, Mỹ vẫn là nước đứng đầu bởi ưu thế về công nghệ. Năm 2013, dựa trên hồ sơ mật của chính phủ Mỹ do cựu nhân viên CIA E. Snowden (người hiện đang bị Mỹ truy nã) cung cấp và những cuộc phỏng vấn với các cựu quan chức Mỹ, tờ Bưu điện Washington cho biết trong chương trình mang tên GENIE trị giá 652 triệu USD, các chuyên gia tin học của Mỹ hồi năm 2011 đã tiến hành 231 cuộc tấn công mạng vào các mạng lưới máy tính ở Iran, Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, rồi bí mật kiểm soát chúng để thu thập thông tin tình báo.

Với tiết lộ mới nhất của tờ Thời báo New York, quy mô hoạt động tấn công mạng của Mỹ ngày càng hiện rõ. Nó buộc người ta phải cảnh giác với những đòn ngầm xuyên quốc gia đầy nguy hiểm này.

H:\92\truc mang\Don ngam xuyen quoc gia.doc