Đổi phế liệu lấy thực phẩm

ANTĐ - Chính phủ Thái Lan đã áp dụng một giải pháp mới hữu hiệu để bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân và giải quyết tình trạng quá tải ở các bãi chôn lấp chất thải trong nhiều thành phố. Đó là chiến dịch thu mua, trao đổi các loại phế liệu có khả năng tái chế từ người dân để lấy các mặt hàng lương thực thiết yếu.

Mỗi ngày tại các cửa hàng được quy định ở Thủ đô Bangkok, có không ít người dân mang những túi rác to đến để đổi lấy những thực phẩm như gạo, mỳ ăn liền, trứng hay các mặt hàng có giá trị tương đương khác. Chiến dịch này đã giúp người dân Thái Lan hình thành thói quen phân loại rác, thông qua nhận thức về mức giá chênh lệch giữa phế liệu đã được phân loại và phế liệu không phân loại vì phế liệu đã được phân loại bao giờ cũng được thu mua với giá cao hơn.

Chị Burin, chủ một cửa hàng tạp hóa cho biết, vỏ chai nước có giá khoảng 15baht/kg, tuy nhiên nếu không được phân loại trước khi mang đến đây, thì chúng chỉ được mua với giá 5 baht/kg. Không chỉ người dân mà các chủ cửa hàng cũng rất hoan nghênh chiến dịch này vì giúp tăng thêm lợi nhuận từ việc bán các vật liệu tái chế cho các công ty môi trường.

Hiện ở Thủ đô Bangkok đã có 3 cửa hàng đổi phế liệu được thiết lập. Chính phủ dự định sẽ nhân rộng các điểm giao dịch như trên để tăng cường khả năng quản lý và xử lý lượng chất thải đang ngày càng lớn ở nước này. Hiện mỗi năm, người dân Thái Lan thải trung bình khoảng 1.380 tấn rác, 80% trong số đó không được phân loại, gây khó khăn cho việc xử lý.