Đòi nợ Vinashin, giám đốc doanh nghiệp bị lừa hàng trăm nghìn USD

ANTĐ - Làm ăn với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), công ty của ông C bị nợ đọng 51 tỷ đồng. Nhằm thu hồi khoản nợ này, giám đốc doanh nghiệp tính chuyện nhờ người tác động nhưng lại “dính” phải cú lừa…

“Vẽ” ra quan hệ với cán bộ cấp cao

Sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung vào trung tuần tháng 1-2016, ngày 16-5, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Đức Tuấn (SN 1974, trú ở phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Văn Hưng ( SN 1974, ở xã Nga An, Nga Sơn, Thanh Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị hại bị Tuấn và Hưng lừa đảo số tiền lên đến hàng trăm nghìn USD là ông Nguyễn Thanh C (SN 1959, trú ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) – tổng giám đốc một công ty cổ phần chuyên khai thác hạ tầng (gọi tắt là Công ty Khai thác hạ tầng), tại Quảng Ninh.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (đứng) cùng đồng phạm tại phiên tòa  

Cáo trạng truy tố cùng các lời khai tại phiên tòa cho thấy, năm 2008, Công ty Khai thác hạ tầng, do ông Nguyễn Thanh C làm Tổng giám đốc ký hợp đồng san lấp mặt bằng khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, tại xã Quảng Điền (Hải Hà, Quảng Ninh) với Ban quản lý Xây dựng hạ tầng khu kinh tế Hải Hà, thuộc Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân - thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Hoàn tất hợp đồng thi công vào cuối năm 2008, song công ty của ông C lại bị Vinashin nợ đọng 51 tỷ đồng. Thời điểm đó, biết rõ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang gặp khó khăn nên ông C tính chuyện nhờ người tác động để đối tác nhanh chóng trả nợ.

Ngay sau đó, qua một phụ nữ ở quận Long Biên (Hà Nội), thông tin ông C muốn thu hồi nợ từ Vinashin đến tai Lê Đức Tuấn. Nảy sinh ý đồ lừa đảo, Tuấn điện thoại cho ông C và “tiếp thị” rằng đối tượng có mối quan hệ với một số cán bộ cấp cao nên có thể tác động để Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam nhanh chóng trả nợ cho Công ty Khai thác hạ tầng.

Trong khi đó, thực tế Tuấn không hề có mối quan hệ nào như lời đối tượng rêu rao mà chỉ quen biết với Nguyễn Văn Hưng. Về phần mình, Hưng từng “ba hoa” với đồng bọn là đối tượng vốn là cán bộ “chìm” và có mối quan hệ thân thiết với nhiều cán bộ cao cấp.

Được Tuấn cho biết về việc của ông C, Hưng bàn với đồng bọn yêu cầu ông C “cắt lại” từ 10% - 15% trên tổng số tiền thu hồi nợ. Đồng thời thống nhất, Tuấn chịu trách nhiệm bảo ông C “ra tiền” cùng hồ sơ, chứng từ, còn Hưng sẽ lo việc nhờ người tác động Vinashin trả nợ.

Và từng bước đưa bị hại “vào tròng”

Với ý đồ trên, cuối tháng 11-2008, Tuấn thông báo cho ông C biết đã nhờ được cán bộ cấp cao tác động để Vinashin trả nợ chỉ trong vòng 1 tháng. Kèm theo đó, Tuấn yêu cầu ông C phải tức tốc đưa cho đối tượng 70.000 USD cùng bộ hồ sơ đòi nợ.

Tin tưởng, ngày 24-11-2008, ông C từ Quảng Ninh lên Hà Nội và giao số tiền nêu trên cho Tuấn tại một khách sạn sang trọng. Nhận tiền xong, đối tượng còn bảo ông C đi mua 3 chiếc điện thoại di động Vertu với giá 7.200 USD/chiếc để làm quà biếu.

“Móc” được tiền của ông C, từ ngày 25-11 đến 8-12-2008, Tuấn nhiều lần chuyển tổng cộng hơn 225 triệu đồng qua tài khoản của một người do Hưng chỉ định cùng 2 chiếc điện thoại Vertu. Số tiền còn lại và 1 chiếc điện thoại trị giá hàng trăm triệu đồng, Tuấn chi tiêu cá nhân, sử dụng, rồi sau đó bán lấy 5.200 USD.

Chưa hài lòng với số tiền, tài sản chiếm đoạt được, một ngày cuối tháng 12-2008, Hưng gọi điện yêu cầu ông C bay vào TP Hồ Chí Minh để tiếp tục bàn chuyện. Tại đây, đối tượng bảo Tổng giám đốc Công ty Khai thác hạ tầng đưa thêm 50.000 USD nữa thì ngay hôm sau sẽ có công văn hỏa tốc buộc Vinashin phải trả trước cho công ty của ông C 25 tỷ đồng.

Tiếp tục tin vào những lời xằng bậy, ông C một lần nữa lại giao cho Hưng hàng chục nghìn USD. Tuy nhiên sau đó, ông C đợi mãi mà vẫn không thấy công nợ được thanh toán và cũng chẳng hề có bất kỳ một công văn hỏa tốc nào.

Biết mình bị lừa, ông C buộc phải lần mò theo dấu vết của 2 đối tượng lừa đảo đòi lại tiền. Và rồi cuối tháng 5-2009, Tuấn đã viết giấy nhận nợ 70.000 USD với ông C. Nhưng đến nay, ông C mới nhận lại được 670 triệu đồng và 17.700 USD từ Lê Đức Tuấn.

Đối với Nguyễn Văn Hưng, ngày 22-9-2009 cũng đã buộc phải viết giấy nhận nợ ông C 50.000 USD, trong lần lừa đảo tại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng về số tiền và chiếc điện thoại Vertu ăn chia với đồng bọn ở lần đầu lừa đảo doanh nghiệp, đối tượng phủ nhận hoàn toàn.

Bị đưa ra tòa án xét xử, bị cáo Tuấn tỏ ra thành khẩn nhận tội, trong khi Hưng trước sau đều “chối tội”. Thế nhưng căn cứ vào tố cáo của ông C, các chứng cứ vật chất thu thập được, HĐXX sơ thẩm khẳng định có đủ cơ sở xác định Lê Đức Tuấn và đồng phạm đã phạm vào tội danh như truy tố.

Đánh giá vai trò phạm tội của các bị cáo, Tòa án Hà Nội khẳng định Tuấn là đối tượng khởi xướng, song đã cơ bản khắc phục hết hậu quả và tỏ ra ăn năn, hối cải. Còn bị cáo Hưng, ngoài việc chiếm đoạt số tiền  lớn còn không thành khẩn nhận tội và cũng chưa hoàn trả lại tiền cho bị hại.

Do đó, khép lại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội quyết định chỉ xử phạt Lê Đức Tuấn 12 năm tù, trong khi Nguyễn Văn Hưng bị áp dụng tới 18 năm tù giam, đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS.