Đọc Anchee Min và hiểu hơn về "Nữ hoàng cuối cùng"
(ANTĐ) - “Nữ hoàng cuối cùng” mô tả số phận, tính cách, những quan hệ nhằng nhịt và lối sống, tâm tư của một người phụ nữ nổi tiếng: Nữ hoàng Phong Lan- tức Từ Hy Thái Hậu. Điều làm nên sự hấp dẫn của tác phẩm là văn chương đầy ma mị và phóng khoáng của Anchee Min khi viết về phụ nữ, về tình yêu, tình dục, tất cả được chất chứa trong một người phụ nữ ở đỉnh cao quyền lực, danh vọng, nhưng bị kìm nén để rồi bộc lộ tột cùng những khát vọng sống, khát vọng yêu.
Nữ nhà văn Anchee Min |
Anchee Min là phiên âm từ tên thật của tác giả Mẫn An Kỳ. Trong Đỗ Quyên đỏ - cuốn sách mà độc giả Việt Nam đã biết đến, tác giả từng lý giải cái tên của mình: An Kỳ (Anchee) nghĩa là Viên ngọc bình yên. (Chữ “Kỳ” trong tiếng Hán có nghĩa là ngọc kỳ, cũng còn có ý nghĩa là báu vật). Báo chí Trung Quốc đề cập rất ít đến Anchee Min, và có đề cập đến thì dường như “bối rối”, không biết phải đánh giá như thế nào về nữ tác giả ra đi từ Trung Quốc và thành danh ở Mỹ bằng những tác phẩm viết về lịch sử Trung Quốc này. Nhận định thông thường nhất là họ cho rằng Anchee Min đã kể lại lịch sử Trung Quốc cho phương Tây nghe, là một người giải thích cho phương Tây hiểu thế nào là lịch sử, là nền văn hóa và con người Trung Quốc sâu xa thần bí.
Cả cuộc đời mình, 47 năm cầm quyền Từ Hy đã kiên cường sống, đấu tranh với số phận, đấu tranh thù trong giặc ngoài, công bằng, không kỳ thị, ưu ái với người tài bất kể là người Mãn hay người Hán để chứng minh ngạn ngữ “Khi người đàn bà lên boong, con tàu sẽ đắm” là sai, nhưng thực tế lại là con tàu Hầu Phong đã chìm, con tàu Đồng Trị, con tàu Quang Tự chìm nghỉm, kể cả con tàu Phổ Nghi bà dựng lên lúc sắp lìa đời cũng chìm nốt. Bà hạnh phúc hay bất hạnh?
Những người thân yêu nhất của bà đều chết bi đát, trong tuyệt vọng, từ chồng đến con đẻ, con nuôi, kể cả người đàn ông chỉ đàn ông về tinh thần, không đàn ông về thể xác làm chỗ dựa cho những khát khao, trong cơn tuyệt vọng và chỉ khi y chết mới biết yêu y biết bao. Mất hết và chịu đủ mọi tai tiếng trong dư luận, trên các báo trong và ngoài nước: Mụ đàn bà thâm hiểm có trái tim băng giá, con dâm phụ, con rồng cái sống cuộc đời để tìm khoái lạc… mong giữ vững triều đình, mong Trung Hoa biến đổi, nhưng rút cục vẫn không thể lay chuyển nổi một Trung Hoa mới chỉ chợt tỉnh giấc trước một tầng lớp cầm quyền hủ lậu và đồi bại.
Những câu chuyện về nữ hoàng cuối cùng của Vương triều thịnh vượng Trung Hoa được tác giả tái hiện chân thực trong “Nữ hoàng cuối cùng”. Câu chuyện về bí mật cung đnh này diễn ra trong một thời kỳ Trung Hoa bị khốn đốn bởi sự can thiệp của nước ngoài... Cái nhìn thông cảm với người đàn bà bị báo chí phương Tây thời ấy lăng mạ. Và sự phân tích nguyên nhân của mọi bi kịch, mọi thất bại, đó là một chế độ không có cơ hội để tự hỏi ai thực sự là bạn của mình. Kết quả của việc không phân biệt nổi giữa chính tà và thiện ác chính là đầu óc con người chứa đầy những nỗi sợ hãi và nghi ngờ. Tất cả đều bất lực trước gánh nặng của truyền thống, sự mù quáng và ích kỷ, của quyền lực và bản thân lịch sử như tác giả đã vạch ra trong truyện.
Gia Bách