Doanh nghiệp Việt vẫn bị động!

ANTĐ - Với 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đàm phán hoàn tất, trong đó có 8 Hiệp định đã có hiệu lực, hội nhập với doanh nghiệp Việt Nam không còn là câu chuyện xa xôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp Việt vẫn trong tâm thế bị động, chờ khách hàng tìm đến giao thương.

Doanh nghiệp khó tự “bơi”

Là doanh nghiệp đã có sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước, song ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty Sản xuất máy nông nghiệp lại tỏ ra không tự tin khi hội nhập. Ông Phạm Hoàng Thắng cho biết: “Doanh nghiệp khởi nghiệp trong nghề sáng chế từ năm 2000, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Trong hội nhập thuận lợi là được nhiều nước biết đến, tuy nhiên chúng tôi không có tiền ra nước ngoài tìm đơn vị nhập khẩu mà phải qua đơn vị trung gian. Tôi mong muốn các doanh nghiệp khoa học công nghệ được hỗ trợ. Muốn đổi mới phải đầu tư mà các nhà sáng chế nghĩ ra sản phẩm đã khó, việc sản xuất thử nghiệm, đầu tư thiết bị đưa ra cộng đồng mất rất nhiều tiền, chỉ chi ra chứ không thu vào. Trong suốt thời gian qua chúng tôi tự “bơi”, nhưng “bơi” không được xa”.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đặt vấn đề: FTA đã mang lại gì cho doanh nghiệp? Chúng ta tham gia vào hội nhập với khá nhiều thuận lợi nhưng tận dụng tới đâu chúng ta còn phải xem lại. Gạo có tiềm năng nhưng giá thấp, cà phê đứng thứ tư, thứ năm thế giới nhưng chưa có tên tuổi nhiều… Do đó chúng ta cần xây dựng thương hiệu để tránh cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”. Có lẽ đến thời điểm này vẫn hiếm có doanh nghiệp nào lại tự đặt vấn đề: “Vì sao Việt Nam phải hội nhập?”. 

Theo các chuyên gia kinh tế, hội nhập là xu thế tất yếu để Việt Nam phát triển, doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên và không bị tách rời khỏi sự phát triển chung của thế giới. Nói cách khác, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận đàm phán để đàm phán chứ bước đầu chưa phải là đòi hỏi nội tại của doanh nghiệp. Song lật lại vấn đề có thể thấy, tại sao thủy sản Việt Nam có tiếng trên thế giới nhưng lại không có giá? Hội nhập sẽ khiến người dân ra sao?... 

Theo đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì nhiều doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam toàn bị thất bại. Nông sản xuất khẩu sang các nước rất khó khăn, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là doanh nghiệp muốn được công nhận ứng dụng công nghệ cao phải được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận, song việc để được chứng nhận này lại rất phức tạp. Đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp này kiến nghị, bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc nêu trên, doanh nghiệp cũng cần được gỡ các nút thắt về vay vốn để mở rộng phát triển. 

Thờ ơ với xúc tiến thương mại

Có một thực tế đáng chú ý là trong khi rất nhiều doanh nghiệp còn bối rối khi hội nhập thì một hoạt động có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập như xúc tiến thương mại họ lại hoàn toàn không để ý đến.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp trong nước nghĩ chi phí cho xúc tiến thương mại lớn nhưng hiệu quả chưa cao, song có những chương trình, cơ quan quản lý mời cả tháng mà doanh nghiệp không tham gia, hoặc doanh nghiệp đăng ký xong rồi bỏ. Hiện nay, kinh phí xúc tiến thương mại ngày càng giảm, xu thế chung các nước phát triển vẫn quảng bá cho doanh nghiệp theo cách này và thu được hiệu quả. Xúc tiến thương mại là công cụ hết sức hữu hiệu, không những mang lại kết quả trước mắt mà còn là sự phát triển bền vững cho cả cộng đồng doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ chắc chỉ khi nào Nhà nước hỗ trợ 100% thì doanh nghiệp mới tham gia. Theo tôi, tất cả các hỗ trợ của Nhà nước cần phải giảm và bỏ, đây là điều bắt buộc. Những hỗ trợ này thay vào đó chỉ dành cho nông sản vì lĩnh vực này có giá trị thấp và chưa lôi kéo được nhiều doanh nghiệp tham gia”, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết. 

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty Cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) cho hay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với hoạt động xúc tiến thương mại, dù đây là hoạt động có ý nghĩa sống còn đối với họ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết kiến nghị: “Việt Nam nên có sự chuẩn bị và tạo ra một quy trình liên kết doanh nghiệp như tạo lập danh bạ những doanh nghiệp quốc gia trong cùng lĩnh vực để khi doanh nghiệp hay nhà đầu tư cần thông tin có thể dễ dàng tra cứu. Đại sứ quán Brazil đã đưa ra những cổng thông tin gồm danh sách các ngành nghề trong xã hội. Qua đó, chỉ cần một cú click chuột sẽ hiện ra đầy đủ những doanh nghiệp trong lĩnh vực đó, cùng đầy đủ thông tin như địa chỉ, website, phương thức hoạt động và quy mô của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội để tiếp cận doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Đó cũng là cơ hội quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp trong nước khi họ tham gia các hội thảo hay diễn đàn nước ngoài”.

Chia sẻ kinh nghiệm hội nhập, ông Chí Nguyễn, Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ truyền thông Việt - Oregon (VOTC) khẳng định: “Thương hiệu của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp cần phải biết cách bảo vệ thương hiệu khi làm việc với các đối tác quốc tế. Chúng tôi rất muốn làm việc với các doanh nghiệp trong nước nhưng làm sao chúng tôi tìm được những người bạn làm về công nghệ?”…

Nhà nước đã cho doanh nghiệp một vé đi cửa riêng

Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới để hội nhập quốc tế, đây là giai đoạn mới về chất. Chúng ta có Hiệp định Thương mại tự do với 55 nền kinh tế trên thế giới và bất cứ hàng hóa nào của Việt Nam đang xuất khẩu, nhập khẩu đều được điều chỉnh bởi các hiệp định này. Nhà nước đã cố gắng cho doanh nghiệp một vé đi cửa riêng với nhiều ưu đãi, vì vậy, chúng ta đã hợp tác với các nước nào trên thế giới thì đều được hưởng ưu đãi từ các nước đó. Có chăng giờ chỉ sót lại ở một số nước Nam Mỹ, còn lại khó có doanh nghiệp nào không làm việc với Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Úc… Tất cả các nền kinh tế đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế phát triển vẫn đầu tư rất nhiều cho xúc tiến thương mại, bởi vì người ta nhìn thấy lợi ích to lớn và lâu dài từ nó. Mỗi chuyến đi có thêm rất nhiều mối quan hệ và một thời gian sẽ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tham gia xúc tiến thương mại. Hiện nay, đã hết thời “hữu xạ tự nhiên hương”, trong xã hội hội nhập sâu sắc và cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, nếu cứ ngồi chờ đợi thì không có ai biết, thay vào đó phải đổi mới, phải ra ngoài. 

Ông Bùi Huy Sơn (Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương)