Doanh nghiệp vẫn sợ tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh"

ANTD.VN - "Dự án vốn Nhà nước: Nợ một nửa làm sao doanh nghiệp “sống” được?". Đó là phản ánh của đại diện Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam tại hội nghị giao ban các hiệp hội doanh  nghiệp và doanh nghiệp phía Bắc - kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, diễn ra sáng nay (6-3). 

Doanh nghiệp kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn

Ông Mai Đình Mạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật điện Việt Nam cho hay, trong 1 năm qua, khi Nghị quyết số 35 được thực hiện, doanh nghiệp có “dễ thở” hơn, nhất là trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, “nợ đọng tại một số dự án sử dụng vốn đầu tư Nhà nước lớn và quá lâu. Một doanh nghiệp trong hiệp hội của chúng tôi làm dự án đường dây cao thế từ năm 2011, năm 2012 kết thúc với số vốn 20 tỷ đồng. Dự án đã đi vào hoạt động nhưng đến nay, nợ đọng vẫn là 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhỏ mà nợ đến 10 tỷ trong mấy năm thì còn sống sao nổi”?

Ngoài vấn đề nêu trên, ông Mai Đình Mạnh cũng cho rằng việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vẫn chủ yếu là hô hào, thực tế kết quả chưa được nhiều khiến doanh nghiệp phải sử dụng hàng nhập khẩu. Trong đó, không ít mặt hàng nhập khẩu kém chất lượng, chỉ hết thời gian bảo hành 1-2 tháng là hỏng, rất lãng phí. “Cần có hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu và đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam”- ông Mai Đình Mạnh nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, tỷ giá là vấn đề nhức nhối đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu đã hướng sản xuất đến xuất khẩu thì cần có phương án hợp lý hơn.

Nghị quyết số 35 của Chính phủ đặt ra mục tiêu chính là đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong một năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để tạo môi trường an toàn, thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn dày đặc, chưa loại bỏ được chi phí không chính thức. Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Vẫn còn tình trạng trên trải thảm, dưới rải đinh. Chi phí dịch vụ không chính thức không có giá chứ có giá thì chúng tôi “chơi luôn”. Mà như vậy, doanh nghiệp lót tay ít thì không yên tâm, đưa nhiều thì không có. Vì vậy, từ Chính phủ đến địa phương cần xây dựng bộ máy giúp việc có tâm sáng, có năng lực, cần thiết phải có chế tài xử lý vi phạm. Làm được vậy thì không cần nghị quyết doanh nghiệp vẫn phát triển tốt”- ông Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang kiến nghị các địa phương nên thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh nhằm tạo sự minh bạch; Nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần cho đội ngũ công chức, viên chức, theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp; Rõ người, rõ việc, rõ năng lực, rõ hiệu quả.