Doanh nghiệp nội trỗi dậy giành lại thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam

ANTD.VN - Cách đây vài tháng, ưu thế trên thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn nghiêng về các “đại gia” tên tuổi như: Central Group, Lotte, Aeon, Circle K hay Family Mart… Nhưng việc Saigon Co.op mua lại hệ thống siêu thị nổi tiếng của ông chủ người Pháp - Auchan mới đây, thế cân bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang dần được lập lại.

Vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ nội mở rộng kinh doanh

Khi bán lẻ ngoại bị “thâu tóm”

Vào đầu tư tại Việt Nam từ năm 2015, tập đoàn bán lẻ Auchan Retail (Pháp) đã có mặt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh. Giữa tháng 5-2019, Auchan bất ngờ rút khỏi thị trường Việt bằng quyết định bán 18 cửa hàng. Bất ngờ không kém khác trong thương vụ này là lần đầu tiên, một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã tiếp nhận một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới. 

Theo đó, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng đã đóng cửa và 3 cửa hàng đang hoạt động cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam. Saigon Co.op sẽ quản trị thương hiệu Auchan tại Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán (đầu năm 2020), sau thời gian này, 2 bên sẽ cùng bàn thảo lại. Kể từ khi tiếp nhận, bên mua sẽ khai trương mới các điểm bán dưới dạng siêu thị Co.opmart, Co.optra, Finelife. Trong 18 siêu thị Auchan đang quản lý, đến cuối năm nay, Saigon Co.op sẽ sắp xếp lại và một số sẽ đóng cửa hẳn. Như vậy, sau khi bị “trượt tay” trong thương vụ mua lại chuỗi Big C Việt Nam 4 năm trước từ Casino Group, lần này, Saigon Co.op đã “phục thù” khi mua được Auchan.

Chỉ cách đây vài tháng, Auchan vẫn được nhắc đến như một nhà bán lẻ tiềm năng với kế hoạch đến năm 2020 sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị. Nhưng doanh nghiệp này đã không thể cầm cự để tiếp tục kinh doanh thua lỗ thêm nữa nên quyết định rút khỏi Việt Nam. Trước thương vụ nêu trên, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đã từng chứng kiến doanh nghiệp nội thâu tóm doanh nghiệp ngoại.

Người Nhật đến Hà Nội làm việc, du lịch, đa số họ đến Aeon để mua hàng, người Hàn Quốc thì sẽ chọn Lotte, trong khi người tiêu dùng Việt đa số lại “tiện đâu mua đấy”. Tương tự, về nhân lực, khi nhân viên siêu thị ngoại biết cầm ô ra đón khách hàng từ cửa lúc trời mưa, cửa hàng, tay vịn cầu thang lúc nào cũng sáng choang thì nhân viên siêu thị nội vẫn có không ít người thờ ơ, mệt mỏi khi tiếp xúc với khách. 

Năm 2014, với việc mua lại 70% cổ phần của Công ty CP bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail - doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express) với giá 570 tỷ đồng, Vingroup đã chính thức tham gia vào lĩnh vực bán lẻ và chuyển đổi tên thành chuỗi siêu thị VinMart.

Tiếp theo đó, Vingroup tiếp tục mua lại các hệ thống siêu thị Vinatexmart, Maximark rồi đến Fivimart. Gần đây nhất, vào đầu tháng 4-2019, Vingroup đã mua lại hệ thống cửa hàng tiện lợi Shop&Go của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống, nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình. 

Trên thực tế, thời gian qua,  thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ khi chứng kiến làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ. Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Trong khi đó, những tên tuổi “vang bóng một thời” của Việt Nam như: Fivimart, Intimex… đã biến mất. Tuy vậy, diễn biến doanh nghiệp ngoại làm ăn thua lỗ tại thị trường Việt Nam và phải bán lại cho doanh nghiệp nội cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường này. Mặt khác, điều này cũng khiến người ta nhận định, dù thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, nhưng làm ăn kinh doanh ở Việt Nam không dễ. 

Sức ép còn rất lớn

Theo đại diện của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Đáng chú ý là tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa.

Ở góc độ chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, nhà bán lẻ nội và ngoại đang cạnh tranh với nhau về vốn, kinh nghiệm, uy tín, nguồn lực và cả “thủ thuật”. “Chỉ tính riêng về vốn, doanh nghiệp nội đã khó thắng khi lãi suất ngân hàng tối thiểu là 8%, trong khi doanh nghiệp ngoại chỉ cần công ty mẹ rót vốn cho với lãi suất 2-3%. Đó là chưa nói đến những “thủ thuật” trong kinh doanh, họ có thêm nguồn để khuyến mãi, quảng cáo, thu hút khách hàng. Năng suất lao động của ta cũng kém nên chi phí cao hơn” - ông Phú nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, nếu so sánh ở sự liên kết giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng thì doanh nghiệp Việt càng yếu. Chẳng hạn, người Nhật đến Hà Nội làm việc, du lịch, đa số họ đến Aeon để mua hàng, người Hàn Quốc thì sẽ chọn Lotte, trong khi người tiêu dùng Việt đa số lại “tiện đâu mua đấy”. Tương tự, về nhân lực, khi nhân viên siêu thị ngoại biết cầm ô ra đón khách hàng từ cửa lúc trời mưa, cửa hàng, tay vịn cầu thang lúc nào cũng sáng choang thì nhân viên siêu thị nội vẫn có không ít người thờ ơ, mệt mỏi khi tiếp xúc với khách. 

Nêu lên một thực tế khác, ông Vũ Vinh Phú cho hay: “Không phải chỉ có người tiêu dùng “sính ngoại” nên thích siêu thị ngoại, mà lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố cũng vậy. Có tỉnh cứ thấy nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào là “trải thảm đỏ” mời mọc. Thậm chí, có tỉnh còn làm cả một đoạn đường để dẫn vào siêu thị, nhưng doanh nghiệp bán lẻ nội nào có được những ưu đãi đó? Do vậy, dù có đang lấy lại thị phần thì doanh nghiệp nội vẫn cần cải tổ, chuyên nghiệp hơn rất nhiều mới giữ được chỗ đứng”.

Dồn lực cho phân khúc phù hợp

Đồng quan điểm về thị trường bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt, một chuyên gia kinh tế khác cho hay, theo số liệu ước tính, đại siêu thị, trung tâm thương mại của nhà đầu tư ngoại đang chiếm hơn 50% thị phần. Tỷ lệ này ở phân khúc cửa hàng tiện lợi là 40%. “Điều này có nghĩa, ở phân khúc cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp nội đang chiếm ưu thế. Hệ thống cửa hàng này thường có mật độ rất dày, đi vào tận khu dân cư nhỏ.

Hiện nay Vinmart+, Bách hóa Xanh… đang làm điều này khá tốt. Tuy vậy, các cửa hàng tiện ích của ta bên cạnh việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, cũng cần chỉnh trang cho bắt mắt hơn, không nên ôm đồm quá nhiều mặt hàng. Ví dụ như Cirkle K, K-mart… hiện trưng bày rất đẹp” - vị chuyên gia nói.

Ông Vũ Vinh Phú cũng đồng tình với ý kiến trên và cho hay, tại Nhật Bản, trung bình cứ khoảng 6.000 người là có một cửa hàng tiện ích. Tại Việt Nam, tỷ lệ này là 60.000 người/cửa hàng. Với dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới, dân số trẻ chiếm gần 40% và thị trường nông thông còn trống vắng thì nhu cầu tiêu dùng còn rất lớn. Mở rộng kinh doanh ở chuỗi cửa hàng tiện lợi được xem là phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam để nâng dần tỷ lệ bán lẻ hiện đại, phục vụ vùng nông thôn và cạnh tranh với bán lẻ nước ngoài.

“Thị trường sẽ phân hóa rõ rệt hơn. Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm phục vụ gia đình hàng ngày sẽ chọn cửa hàng tiện lợi, nhưng khi có nhu cầu mua sắm lớn, hoặc khi vui chơi, giả trí thì họ vẫn sẽ tìm đến các trung tâm thương mại, đại siêu thị. Doanh nghiệp Việt nên đầu tư vào phân khúc thích hợp để dần chiếm lĩnh thị trường” - ông Vũ Vinh Phú nói.