Đổ xô đi tiêm phòng

ANTĐ - Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ tại điểm tiêm chủng miễn phí vaccine sởi cho trẻ ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (TTYTDP), số 70 Nguyễn Chí Thanh, qua 2 ngày đầu triển khai, đã có gần 200 trẻ đến tiêm. Đáng chú ý, phần lớn số này là những trẻ đã quá tuổi tiêm vaccine sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng nhưng trước đó chưa tiêm...

Lượng trẻ đến tiêm vaccine sởi tại TTYTDP Hà Nội rất đông

Có dịch mới đi tiêm

Phòng tiêm chủng vaccine sởi miễn phí được TTYTDP Hà Nội bố trí tại một phòng riêng biệt trên tầng 3, tách biệt với khu tiêm chủng dịch vụ ở 2 tầng dưới. Chỉ những trẻ chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào trước đó và đã quá 23 tháng tuổi mới được tiêm vaccine sởi miễn phí tại điểm tiêm chủng này, còn các đối tượng dưới 23 tháng tuổi được hướng dẫn về tiêm vaccine sởi tại Trạm Y tế xã/ phường. Dù vậy, theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 21-4, lượng trẻ được đưa đến tiêm chủng tại đây vẫn rất đông. 

Trong ngày đầu tiên triển khai (20-4), do là ngày nghỉ và chưa nhiều người biết thông tin nên có hơn 60 trẻ đến tiêm chủng miễn phí vaccine sởi. Tuy nhiên ở ngày thứ 2 này, mới 14h chiều, ước chừng đã có gần 100 trẻ đến tiêm. Qua tìm hiểu, đa số phụ huynh lý giải việc họ không cho con đi tiêm vaccine sởi trước đó là vì đến tuổi tiêm thì các cháu hay ốm đau, mọc răng…, cộng thêm tâm lý lo ngại sau khi có nhiều vụ tai biến vaccine xảy ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh thẳng thắn thừa nhận việc mình không cho con đi tiêm chủng vaccine sởi là vì chủ quan và chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe của trẻ. Một số phụ huynh khác lại  thiếu thông tin về tiêm chủng.

Điển hình như trường hợp của bé Lê Ngọc Huyền (sinh năm 2009, ở huyện Đông Anh), dù đã gần 5 tuổi nhưng mới chỉ được tiêm 2 mũi vaccine, trong đó không có vaccine sởi và thậm chí 2 mũi vaccine đã tiêm là vaccine gì, mẹ cháu bé cũng không nhớ rõ. Câu trả lời của mẹ cháu Huyền: “Vì em bận đi làm xa…” khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ví dụ khác, trường hợp của bé Lê Phương Linh (sinh năm 2008, cư trú ở Định Công, quận Hoàng Mai), dù đã gần 6 tuổi nhưng đến nay mới chỉ được tiêm duy nhất một mũi vaccine tổng hợp vào năm 2009. Anh Lê Bá Tuấn, bố cháu Linh cho biết, vợ chồng anh sống tạm trú tại Định Công nhiều năm nay nhưng do là người ngoại tỉnh nên không nhận được giấy mời hay thông báo của Trạm Y tế phường về lịch tiêm chủng hàng tháng. Mấy hôm nay dịch sởi bùng phát mạnh khiến vợ chồng anh rất lo lắng, đọc báo thấy thành phố mở điểm tiêm miễn phí nên vội thu xếp đưa cháu đến đây tiêm.

Vẫn không thể chủ quan

Bác sĩ Đặng Đình Huân, phụ trách khám sàng lọc tại điểm tiêm chủng miễn phí của TTYTDP Hà Nội chiều 21-4 cho biết, sau khi tiêm vaccine sởi mũi 1, thông thường phải 1 tháng sau trẻ mới có miễn dịch phòng bệnh. Trong thời gian 1 tháng này trẻ vẫn có thể bị lây nhiễm, mắc sởi, do đó các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn về sinh, tránh tiếp xúc với bệnh nhân và các ổ dịch. Tương tự, sau khi tiêm mũi 2 cũng cần 2-3 tuần để tạo đủ kháng thể bảo vệ với sởi. Để có thể phòng sởi, tiêm vaccine hiện vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất.

Thông thường, khi tiêm một mũi vaccine sởi thì hiệu quả bảo vệ đạt 80-85%, khi tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi thì hiệu lực bảo vệ tăng thêm 10-15% nữa. Vì thế, ngay cả khi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi thì vẫn còn khoảng 5-10% số trẻ có nguy cơ mắc sởi, bởi hiệu lực phòng bệnh của vaccine sởi chỉ đạt  90-95%. Theo PGS.TS  Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong số 100 trẻ được tiêm, sẽ có một số trẻ tiêm rồi vẫn có khả năng mắc bệnh, phụ thuộc vào hiệu lực của vaccine và sự đáp ứng miễn dịch của trẻ.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, theo lịch tiêm chủng quốc gia, trẻ em được tiêm 2 mũi  vaccine sởi khi 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Ngoài điểm tiêm chủng vaccine sởi miễn phí tại TTYTDP Hà Nội, từ 19 đến    25-4, Sở Y tế Hà Nội cũng tổ chức tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ 9-23 tháng tuổi tại tất cả các trạm y tế xã/ phường trên địa bàn. Cùng đó, do lượng trẻ trên 23 tháng tuổi đến tiêm chủng rất đông và số lượng chưa tiêm dự báo còn lớn nên bắt đầu từ hôm nay, 22-4, mỗi quận/ huyện sẽ tổ chức thêm một điểm tiêm chủng vaccine sởi miễn phí tại Trung tâm Y tế quận/ huyện cho những trẻ từ 23 tháng tuổi trở lên nhưng chưa tiêm vaccine này. Người dân có con em chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine sởi cần chủ động xem mình ở nhóm đối tượng nào để đưa trẻ ra trạm y tế hoặc Trung tâm Y tế quận/ huyện tiêm vaccine sởi đầy đủ.

Vaccine sởi là loại an toàn nhất

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vaccine sởi tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hiện nay là vaccine do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên theo công nghệ hoàn toàn của Nhật Bản. Vì thế, có thể nói đây là loại vaccine an toàn nhất trong tất cả các loại vaccine nội hiện nay. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới cũng đánh giá rất cao vaccine sởi của Việt Nam và đang khuyến khích nước ta nâng công suất sản xuất loại vaccine này để xuất khẩu ra các nước khác trên thế giới.