DN nhập khẩu ô tô phản ứng gay gắt thông tư 20

(ANTĐ) - Việc Bộ Công Thương ban hành thông tư 20/2011 TT-BCT đã và đang gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính thức trên thị trường hiện nay.

DN nhập khẩu ô tô phản ứng gay gắt thông tư 20

(ANTĐ) - Việc Bộ Công Thương ban hành thông tư 20/2011 TT-BCT đã và đang gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính thức trên thị trường hiện nay.

Theo các doanh nghiệp thông tư 20 như một bản khai tử đối với họ vì khả năng đáp ứng theo điều kiện đầu tiên của thông tư đó là phải có giấy phép ủy quyền của chính hãng và thỏa mãn yêu cầu của Bộ GTVT về điều kiện bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm… là điều bất khả thi và hơn nữa, thời hạn bắt đầu thực hiện vào 26/6 tới đây là quá gấp gáp.

Doanh nghiệp lao đao

Tính ra đã có khoảng 2000 doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng, điều tiết một nửa thị trường xe hơi trên cả nước, trực tiếp chịu tác động của thông tư này. Do vậy, phản ứng của các nhà nhập khẩu không chính thức là điều dễ hiểu bởi có rất nhiều những hệ luy kèm theo mà doanh nghiệp phải gánh chịu.

Thông tư 20 có thể khiến nhiều doanh nghiệp ô tô phá sản

Thông tư 20 có thể khiến nhiều doanh nghiệp ô tô phá sản

Đại diện doanh nghiệp Trường Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định:  “Doanh nghiệp kinh doanh chúng tôi không thể nào đáp ứng được điều kiện đầu tiên của thông tư đó là có được “giấy ủy quyền của nhà phân phối của chính hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự”. Bởi đơn giản, phía nhà sản xuất đã mở một đại lý ở Việt Nam thì không thể cho thêm một đại lý thứ hai vào, vậy thì lấy đâu ra hợp đồng đại lý. Hơn nữa hầu hết đã có nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam rồi”.

Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính thức hiện đang trong tình trạng “khóc dở, mếu dở” khi không biết số phận của doanh nghiệp mình sẽ ra sao sau ngày 26/6.

“Thời hạn 26/6 sẽ gây cho chúng tôi nhiều khó khăn. Ví dụ, số xe mà chúng tôi đã đặt cọc tiền nhưng không về kịp đúng trước thời hạn đó đồng nghĩa với việc chúng tôi mất trắng khoản tiền đó và doanh nghiệp đã bán hết xe thì sẽ không có xe để về nữa”, ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhật Đức Auto chia sẻ.

Bất cập nhiều bề

Được biết, đã có khoảng 50 doanh nghiệp phía Bắc cùng ký tên vào văn bản kiến nghị xem xét sửa đổi nội dung của thông tư 20 của Bộ Công Thương. Đây được xem là hành động “tự cứu” lấy mình. Các doanh nghiệp phía Nam cũng đang có kế họach hành động tương tự.

Có những doanh nghiệp đã chủ động tự tìm cho mình hướng đi mới thậm chí đã xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực là phải đóng cửa tuyên bố phá sản.

Theo đại diện Việt Hàn Auto: “Qua ngày 26/6, nếu Nhà nước ra mức thuế nhập khẩu xe cũ hợp lý thì công ty chúng tôi chuyển qua kinh doanh loại đó, còn nếu mức thuế mới cho xe cũ đó cao quá thì chắc chúng tôi phải chuyển sang ngành nghề khác”.

Còn theo ý kiến của nhiều showroom tại Hà Nội, với thông tư 20 thì việc nhập khẩu sẽ rất khó khăn với doanh nghiệp chắc chắn tình hình kinh doanh sẽ đi xuống, thậm chí… chết đứ.

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc có quá nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ra đời và tham gia thị trường với lượng tiêu thụ vừa phải thì sự điều tiết là cần thiết. Đồng thời tiến tới giai đoạn nhà phân phối đảm bảo không chỉ sản phẩm mà cả dịch vụ hậu mãi, bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng, nhất là những mặt hàng liên quan đến vấn đề xã hội (giao thông) như ô tô. Tuy nhiên với thời hạn chưa đầy một tháng để các doanh nghiệp chuẩn bị cho thông tư này thì quá nhanh và cái họ cần là một khoảng thời gian, một lộ trình để thích nghi và tìm kiếm con đường tồn tại.

Theo đại diện doanh nghiệp ô tô Trường Thành: “Đối với ngành ô tô, khi ra quyết định như vậy Bộ cần phải cho chúng tôi thời gian để có sự chuẩn bị ít nhất là 1-2 năm để đưa vào lộ trình nhằm tránh sự mất cân bằng trên thị trường”.

Các doanh nghiệp cũng cho biết hiện nay chưa có bất cứ thông tin nào văn bản hướng dẫn cụ thể nào cho việc thực hiện giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp vì vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo. Chính những bất cập còn đang vướng mắc thì việc kéo dài lộ trình thực hiện có lẽ là điều các cơ quan chức năng cần xem xét lại.

Nguyễn Hằng